Rẽ hướng khởi nghiệp

Đỗ Thế Anh (SN 1991, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp và trở thành một cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (NN&PTNT).

Mặc dù đã sớm có một công việc ổn định, một con đường dễ dàng để đi, một cuộc sống an nhàn và không mấy áp lực, nhưng sau 3 năm công tác ở Sở, Thế Anh đã bất ngờ xin nghỉ việc, về quê khởi nghiệp với ý tưởng xây dựng một nhà máy sản xuất gạo trên chính mảnh đất quê hương.

{keywords}
Đỗ Thế Anh dù đang làm việc cho một đơn vị Nhà nước nhưng đã rẽ ngang để khởi nghiệp.

"Mình học Nông nghiệp ra trường, làm ở Sở Nông nghiệp mấy năm cũng có quan sát ở Thanh Hóa cái gì cũng có nhưng để sản phẩm nào có thương hiệu nổi bật thì chưa. Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích lúa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ nhưng chưa ai biết Thanh Hóa có gạo gì đặc biệt, như Điện Biên có gạo Điện Biên, hay Thái Bình có gạo tám thơm… Vì thế, mình muốn làm sao để người ta nhắc đến Thanh Hóa là nhắc đến thứ gạo nổi tiếng nào đó" - Thế Anh chia sẻ.

{keywords}
Anh Đỗ Thế Anh là người xây dựng nhà máy sản xuất gạo đầu tiên của xứ Thanh.

Với những trăn trở đó, Thế Anh đã quyết định đầu tư thành lập nhà máy sản xuất gạo tại chính mảnh đất quê hương.

Nhờ sự quyết tâm cùng với sự ủng hộ của gia đình, ý tưởng của chàng trai nhanh chóng được thực hiện. Tháng 11/2019, nhà máy sản xuất lúa gạo của Thế Anh chính thức được vận hành. Đây là nhà máy đầu tiên sản xuất gạo tại Thanh Hóa.

Doanh thu của nhà máy 100 tỷ đồng/năm

Cho đến nay, sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã liên kết được hơn 1.000 ha lúa tại rất nhiều các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và một số tỉnh phía Nam…

{keywords}
Nhà máy sản xuất gạo đầu tiên của Thanh Hóa ra đời vào tháng 11/2019.

Nhà máy sản xuất 12 loại gạo, công suất 30.000 tấn/năm, cho doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Nhà máy của anh cũng đã tạo công ăn việc làm cho 100 lao động địa phương, với thu nhập từ 6-7 triệu/tháng/lao động.

Đặc biệt, rất nhiều địa phương, nhờ liên kết, vật tư đầu vào giá thấp, giá bán lúa lại cao; các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

{keywords}
Nhà máy tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập 6-7 triệu/tháng.

Anh Thế Anh lấy ví dụ: "Gạo nếp cái hoa vàng là đặc sản của quê hương Nhà Nguyễn, trước đây chỉ được xã Hà Long (huyện Hà Trung) trồng một ít cho gia đình ăn, toàn cánh đồng chỉ khoảng 2ha.

Thế nhưng, sau khi liên kết với nhà máy, cả xã đã trồng hơn 200 ha lúa nếp cái hoa vàng. Do được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hiệu quả cho gấp 3 lần so với trồng lúa tẻ trước đó".

Từ những cánh đồng màu mỡ, tất cả sản phẩm nông sản sau khi thu hoạch sẽ được nhà máy thu mua toàn bộ lúa tươi, sấy, sản xuất và đưa ra thị trường.

{keywords}
Sau 1 năm thành lập, nhà máy đã liên kết được hơn 1.000 ha lúa tại rất nhiều các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Bá Minh, trưởng thôn Thái Lộc, xã Thái Hòa (Triệu Sơn) phấn khởi cho biết, nông dân quê ông nay đã quen với việc liên kết sản xuất. Thôn Thái Lộc có 12 ha lúa thơm liên kết với công ty của Thế Anh.

"Nhờ liên kết, các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Trồng và chăm sóc lúa, chúng tôi được công ty hướng dẫn kỹ thuật rất cặn kẽ, đến lúc thu hoạch cũng chỉ đứng trên bờ, nhận lúa chở lên đường nhập cho công ty" - ông Minh nói.

Tuy nhiên, để có được thành công như hôm nay, những ngày đầu khởi nghiệp, Thế Anh gặp không ít khó khăn.

"Về diện tích khai thác đang manh mún nhỏ lẻ, nếu như một hộ trong phía Nam 5-7 ha thì ở đây chỉ có vài sào mỗi hộ… Không những thế, bước đầu để tuyên truyền, vận động cho bà con thay đổi tư duy gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi làm một vài vụ bà con hiểu đầu vào thấp, đầu ra cao thì họ mới bắt đầu ủng hộ. Hiện nay, cơ bản ổn định, người nông dân thấy được việc liên kết cho hiệu quả cao", Thế Anh cho biết.

{keywords}
Bà con phấn khởi vì lúa cho năng suất cao do được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào từ khâu gieo trồng cho đến khi thu hoạch.

Không những vậy, khó khăn cũng bắt nguồn từ việc nếu như các tỉnh phía Nam họ xây dựng vùng nguyên liệu sau đó mới xây dựng nhà máy, thì với anh lại xây dựng nhà máy trước khi xây dựng vùng nguyên liệu.

Hiện nay, sau 1 năm, nhà máy đã có hơn 200 điểm bán lẻ trên thị trường…Thời gian tới, Thế Anh cho biết sẽ mở rộng không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.

(Theo Dân Trí