Sáng 7/8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến với các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2020.

Những điểm sáng tích cực

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp dầu khí thế giới cũng suy thoái trầm trọng. Kết quả hoạt động của một số tập đoàn, công ty dầu khí hàng đầu thế giới trong quý II đều suy giảm nặng nề hơn so với quý I. Trong nước, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến nền kinh tế tiếp tục chịu những tác động lớn.

{keywords}
 

“Trong bối cảnh ảm đạm chung của nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự suy giảm nặng nề của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu, nhờ kịp thời xây dựng và thực hiện 5 nhóm giải pháp tổng thể, tình hình SXKD của PVN đã có những điểm sáng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 1,78 triệu tấn quy dầu, vượt 12% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 12,52 triệu tấn quy dầu, vượt 625 nghìn tấn quy dầu (vượt 5,3%) kế hoạch 7 tháng và bằng 61,5% kế hoạch năm.

Sản xuất điện tháng 7 đạt 1,85 tỷ kWh, vượt 2,7% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 12,75 tỷ kWh, bằng 99,3% kế hoạch 7 tháng và bằng 59% kế hoạch năm.

Sản xuất đạm tháng 7 đạt 153 nghìn tấn, vượt 6,4% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 1,06 triệu tấn, vượt 66 nghìn tấn (vượt 6,7%) kế hoạch 7 tháng và bằng 67,7% kế hoạch năm.

Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 7 đạt 969,2 nghìn tấn, bằng 87,6% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 7,37 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch 7 tháng và bằng 62,4% kế hoạch năm.

Điểm sáng trong công tác đầu tư của PVN trong tháng 7/2020 là khẳng định được trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114 (Kèn Bầu). Sự kiện này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển tập đoàn trong các lĩnh vực từ khai thác, chế biến, công nghiệp điện khí, đến dịch vụ dầu khí.

Trong lĩnh vực công nghiệp điện, ngày 10/7, PVN đã đóng điện thành công Sân phân phối Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, ký hợp đồng thuê quản lý vận hành với Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT). Ngày 28/7 đã đốt lửa lần đầu bằng dầu thành công Tổ máy số 1 Dự án NMNĐ Sông Hậu 1.

Với những kết quả khả quan từ sản xuất kinh doanh, doanh thu toàn tập đoàn trong 7 tháng đầu năm đạt 327.798 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 38.731 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10.000 tỷ đồng...

Nỗ lực vượt khó

Theo đại diện PVN, tập đoàn có được những kết quả trên là nhờ hoạt động khai thác dầu, khai thác khí được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu.

Các đơn vị trong tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường. Các đơn vị sản xuất như VSP, PVEP, Rusvietpetro, Biển Đông POC, PVGAS, BSR, PVFCCo, PVCFC hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản lượng sản xuất. Dòng tiền của tập đoàn và các đơn vị thành viên đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, góp phần quan trọng cho sản xuất kinh doanh.

Song song với đó, các biện pháp tiết giảm chi phí được tiến hành triệt để. Riêng tháng 7 đã thực hiện tiết giảm 917 tỷ đồng, trong 7 tháng đã thực hiện tiết giảm 5.624 tỷ đồng, đạt 60,4% so với kế hoạch của tập đoàn.

Đồng thời, công tác quản trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thành và ban hành Bộ quy chế quản trị dưới dạng E-Book áp dụng thực hiện từ ngày 1/7, đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình củng cố các yếu tố mang tính nền tảng trong quản trị doanh nghiệp.

Tại sự kiện, ban lãnh đạo tập đoàn PVN đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 5 tháng cuối năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn trong năm 2020, 2021 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, những tháng còn lại của năm 2020, PVN cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã xây dựng, thường xuyên cập nhật để có những giải pháp tối ưu, phù hợp tình hình thực tế.

Ngọc Minh