Đến nay Đắk Lắk đã có 6 loại cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 600 ha gồm: cây vải (trên 110 ha ở huyện Krông Năng); sầu riêng (230 ha, ở Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột); chuối (150 ha, ở huyện Krông Pắc và Ea H’leo), bưởi (15 ha, ở huyện Buôn Đôn), xoài (40 ha, ở huyện Ea H’leo), thanh long (50 ha, ở huyện Ea H’leo); có 17 tổ chức, cá nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đối với thị trường Trung Quốc.

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, diện tích được cấp mã số vùng trồng như hiện nay chiếm chưa đến 10%, so với tiềm năng cây ăn quả của tỉnh. Nguyên nhân phần lớn là do các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.

Hiện Đắk Lắk tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cấp mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng các quy định của thị trường.

{keywords}
 

Trên thực tế, việc cấp mã vùng trồng là hồ sơ hàng hóa cần thiết để thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Tại cửa khẩu, Hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc là một số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu. Theo quy định của Trung Quốc, quả tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi cho Cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Hiện nay, diện tích cây ăn trái có giá trị như bơ, sầu riêng đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm và có thể xuất khẩu được thì việc đăng ký mã số vùng trồng là cần thiết và quan trọng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đang xúc tiến cấp mã vùng trồng cho cây cà phê, với gần 2.900 ha cà phê trồng xen cây ăn quả ở huyện Krông Năng.

Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh đang được các hộ dân áp dụng thành công ở Đắk Lắk. Tổng diện tích trồng xen trong vườn cà phê gần 40.000 ha, chiếm 19,3% diện tích trồng cà phê toàn tỉnh Đắk Lắk. Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập gấp từ 3 - 5 lần so với trồng thuần cà phê trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần phát triển sản xuất bền vững.

D. An