Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng

Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm ngành Dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên.

Từ những tấn dầu thô đầu tiên, vào năm 1987, PVN đã bán được 235. 700 tấn dầu với tổng giá trị hợp đồng 31 triệu USD. Những con số này cũng là sự khởi đầu cho suốt 45 năm qua, dòng ngoại tệ mà PVN sử dụng thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, thanh toán quốc tế… đã hỗ trợ đắc lực đối với hoạt động dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Trong giai đoạn 2006-2015, ngoài các thành công quan trọng mà PVN đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hàng năm PVN đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước.

Đặc biệt, PVN đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với PVN nói riêng kể từ năm 2014, khi giá dầu ở mức thấp kéo dài, Tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này, hàng năm, nộp ngân sách Nhà nước của PVN tiếp tục chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, PVN đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10 - 13%.

Đến nay, PVN tự hào đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

{keywords}
 

Những dấu mốc ấn tượng

PVN hiện đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn gồm: Đường ống dẫn khí Bể Cửu Long - Dinh Cố - Phú Mỹ, cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; Đường ống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1 cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Đông Nam Bộ; Đường ống PM3 CAA - Cà Mau cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Tây Nam Bộ và đường ống Hàm Rồng - Thái Bình cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng khu vực Bắc Bộ.

Các đường ống dẫn khí của PVN hàng năm cung cấp gần 9 - 11 tỷ m3 khí, đáp ứng sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 - 80% sản lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.

Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN hiện đang vận hành thương mại các công trình trọng điểm dầu khí như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, các nhà máy sản xuất phân đạm Phú Mỹ và Cà Mau, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn… Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu, 13% nộp ngân sách Nhà nước của toàn Tập đoàn. Đặc biệt, tổng sản lượng xăng cung cấp ra thị trường từ NMLD Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 80 - 85% nhu cầu xăng dầu nội địa. Bên cạnh đó, hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm của cả nước.

{keywords}
 

Kể từ năm 2007, với việc ra đời Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, lĩnh vực điện cũng trở thành một trong 5 lĩnh vực sản xuất chính của PVN. Hiện tại, PVN đang vận hành 7 nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt đạt 4.214 MW, chiếm 12% tổng công suất các nhà máy điện của cả nước.

PVN cũng là nhà sản xuất điện khí lớn nhất của đất nước với quy mô công suất các nhà máy nhiệt điện khí đạt 2.700 MW. Tính đến hết năm 2018, PVN đã đạt mốc sản xuất hơn 170 tỷ kWh điện và là nhà cung cấp điện năng lớn thứ 2 của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước hằng năm tuy có giảm nhưng vẫn lớn nhất và chiếm tỉ trọng cao nhất.

Đặc biệt, giai đoạn 2007-2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì PVN vẫn duy trì đà tăng trưởng bình quân 15 - 20%, nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hàng năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2018, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước). Bên cạnh đó, PVN đã sản xuất khoảng 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

{keywords}
 

Nỗ lực vượt “khủng hoảng kép”

Bước sang năm 2020, khó khăn không giảm đi mà tiếp tục lại bồi thêm khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với đó là giá dầu giảm sâu kỷ lục đã khiến PVN đối mặt thêm một đợt khủng hoảng mới.

Những giải pháp nhằm vượt khủng hoảng “kép” đã kịp thời được đưa ra. Mặc dù ngân sách Nhà nước hụt thu do nhiều doanh nghiệp, ngành nghề khốn khó vì đại dịch thì PVN vẫn làm trọn vai trò là “trụ cột” của nền kinh tế khi 7 tháng đầu năm 2020 báo lãi hơn 10 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 38 nghìn tỉ đồng.

{keywords}
 

45 năm qua là thời gian của “lửa thử vàng”. Bằng nghị lực, bản lĩnh của “những người đi tìm lửa”, những cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách được cụ thể hóa bằng những thành quả đạt được trong nhiều thập kỷ qua, là minh chứng cho một PVN sẵn sàng vượt “giông bão” để thực hiện trách nhiệm to lớn của mình là một trong những “đầu tàu” của nền kinh tế đất nước.

(Nguồn: PVN)