Thiệt hại lớn chưa từng có, ngân sách cạn kiệt

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xả ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con. Hiện, cả nước chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.

Điều đáng lo ngại là, 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch bệnh này lại quay trở lại.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.

Tại hội nghị phòng chống DTLCP vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này. Cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, các địa phương tự sáng tạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh.

{keywords}
Ngân sách nhiều địa phương đã cạn kiệt vì dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn chưa từng có

Ông Cường cũng cho biết, DTLCP đã xảy ra 160 ngày chính thức kể từ ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên. Đến giờ phút này thiệt hại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, bởi ngành chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đó là chưa kể kinh phí phòng chống, tiêu huỷ lợn bệnh phải bỏ ra.

“Có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh này gây ra”. Ông Cường nhận định, diễn biến chưa dừng lại, phải xác định sống chung với dịch bệnh này.

Chia sẻ về vấn đề trên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang nói: “Toàn tỉnh có 180 tỷ đồng kinh phí dự phòng nhưng thiệt hại do DTLCP gây ra đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Tình hình xử lý hết sức khó khăn”.

Trước đó, khi nói về DTLCP, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định - thừa nhận rằng dịch bệnh này gây thiệt hại nặng về kinh tế hơn cả thiên tai, bão gió, khiến lãnh đạo tỉnh “phát sốt” vì trong đời quản lý tài chính chưa thấy dịch bệnh nào thiệt hại lớn như thế.

Cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì DTLCP, đầu tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đề nghị có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch.

Bởi, theo hiệp hội này, các trang trại chăn nuôi mắc DTLCP trên cả nước nói chung, tại Đồng Nai nói riêng đang có nhiều khoản nợ chưa thanh toán, kinh tế nhiều gia đình lao đao, nguồn thu nhập giảm đáng kể, khó khăn chồng chất. Do đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với những trang trại và hộ chăn nuôi đã bị dịch; hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch nhưng giá bán quá thấp.

Thực tế, tại Đồng Nai những ngày qua khi giá lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang phải chịu mức lỗ 1 triệu đồng/con khi xuất chuồng.

Không làm tốt cuối năm sẽ thiếu thịt lợn

Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, vấn đề lo ngại đặt ra là từ nay đến cuối năm, tình hình cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn sẽ như thế nào. Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm, “sốt” thực phẩm dẫn tới đẩy giá lên cao hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, khi DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu đã dự báo trước nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn. 

{keywords}
Cơ quan chức năng dự báo cuối năm nguồn cung sẽ thiếu hụt và giá thịt lợn có thể tăng cao

Vì vậy, ông Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.

"Nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn; những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn", ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo ghi nhận, sau khi giá thịt lợn hơi xuống mức khá thấp thì mấy ngày gần đây lại bật tăng trở lại ở giữ ở mức cao. Đơn cử, tại Hưng Yên, Hà Nội, giá lợn hơi 12/7 tăng lên mốc 41.000 đồng/kg; ở Bắc Giang thương lái thu mua lợn hơi với giá 43.000 đồng/kg. Thậm chí có doanh nghiệp thu mua lợn hơi với giá 44.000 đồng/kg.

Trong khi đó, ở miền Trung và miền Nam giá thịt lợn đang nhích nhẹ, hiện ở mốc 31.000-35.000 đồng/kg tuỳ địa phương.

Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cũng dự báo giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ có xu hướng biến động dịp cuối năm. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi.

Bảo Phương