Thức uống trà sữa bắt nguồn từ Đài Loan, du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000 và được giới trẻ ưa chuộng. Thế nhưng, cuối năm 2009, khi thông tin tiêu cực về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trà sữa dần chìm vào quên lãng.

Đến năm 2013, cặp đôi 8X từng du học tại Canada đã mang một thương hiệu trà sữa nổi tiếng của Đài Loan về Việt Nam rồi lần lượt mở rộng thành chuỗi cửa hàng rải rác khắp các quận nội thành Hà Nội. Đó là Ding Tea - cái tên được nhận định là làm dấy lên “cơn sốt” trà sữa khắp cả nước một lần nữa.

Năm 2017 được coi là năm huy hoàng của thị trường trà sữa trong nước với sự bùng nổ của hàng loạt thương hiệu quốc tế như KOI Thé, Gong Cha, Royal Tea và các thương hiệu Việt Nam như Phúc Long, TocoToco hay Bobapop. Ten Ren, với sự hậu thuẫn của The Coffee House, cũng mở cửa hàng đầu tiên trong năm này.

{keywords}
Năm 2017 được coi là năm huy hoàng của thị trường trà sữa trong nước với sự bùng nổ của hàng loạt thương hiệu quốc tế. Ảnh: Trương Khởi. 

Kể từ đó, trào lưu trà sữa cùng nhiều biến tấu như “trà sữa kem cheese”, “sữa tươi trân châu đường đen” hay “trà sữa nướng” đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ.

Dập tan nghi vấn “sớm nở tối tàn”

Còn nhớ những ngày đầu trà sữa “làm mưa làm gió” tại TP.HCM và Hà Nội, không ít người hoài nghi trào lưu này cũng sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng như trà chanh đá me hay mỳ cay 7 cấp độ.

“Sự bùng nổ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn sẽ sớm bão hòa”, một bạn trẻ từng chia sẻ với Zing.vn hồi cuối năm 2017.

Thế nhưng đến bây giờ, vẫn không khó để bắt gặp cảnh giới trẻ xếp hàng chờ mua tại các cửa hàng trà sữa mới khai trương. Không ít bạn trẻ cho biết không thể bỏ thói quen uống trà sữa dù biết chi phí cao và đôi khi không tốt cho sức khỏe và vóc dáng.

Theo thống kê của Lozi năm 2016, cả nước có hơn 1.500 cửa hàng trà sữa với khoảng 100 thương hiệu cạnh tranh. Con số này cũng được dự báo sẽ tăng nhanh do các thương hiệu đều có tham vọng mở rộng hệ thống nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Thực tế, Euromonitor đánh giá thị trường trà sữa Việt Nam có quy mô 282 triệu USD năm 2016, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20%.

{keywords}
"Trà sữa không chỉ là một thức uống mà còn là ‘phong cách sống’ của giới trẻ ngày nay". Ảnh: Trương Khởi. 

Theo số liệu mới nhất về hành vi tiêu dùng bên ngoài của Worldpanel, Kantar, trong 6 tháng đầu năm nay ở TP.HCM, trà sữa vẫn là thức uống dùng ngay được chọn mua nhiều nhất chỉ sau cà phê. Trung bình một tháng, cứ 5 người lại có 1 người mua trà sữa tại các cửa hàng bên ngoài với tần suất 2 tuần/lần.

“Đáng chú ý, thế hệ trẻ Gen Z (sinh từ năm 1997, chiếm khoảng 1/3 dân số Việt Nam) là nhóm đối tượng ‘nặng đô’ nhất với trà sữa. Chiếm gần 60% chi tiêu của đối tượng này cho nhóm thức uống không cồn, trà sữa không chỉ là một thức uống mà còn là ‘phong cách sống’ của giới trẻ ngày nay”, bà Phạm Quỳnh Trang - Insight Director tại hãng nghiên cứu thị trường Worldpanel, Kantar Việt Nam đánh giá.

Do đó, bà tin tưởng vẫn còn nhiều tiềm năng để thị trường phát triển lên một giai đoạn cao hơn nữa như các nước châu Á khác. “Chúng ta có thể mong đợi thị trường trà sữa Việt Nam tiếp tục ‘màu mỡ’ trong những năm tiếp theo nhưng kỳ vọng nhiều mô hình và ý tưởng táo bạo, mới mẻ hơn”, bà nhận định.

Hướng đi nào cho trà sữa tại thị trường hơn 97 triệu dân?

Gen Z là nhóm đối tượng tiêu dùng luôn tìm kiếm những điều mới lạ. Do vậy, để nổi bật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các thương hiệu cần liên tục cập nhật xu hướng với những ý tưởng và sản phẩm sáng tạo, độc đáo, mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ hơn, theo bà Phạm Quỳnh Trang.

“Sự im lặng của một số chuỗi trà sữa từng rất thành công khoảng 10 năm trước có lẽ nằm ở việc cải tiến và khả năng thích nghi với tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường. Dễ hiểu rằng, khi cuộc chơi thay đổi, ai không thích nghi kịp thời sẽ khó tồn tại”, bà nêu quan điểm.

Chia sẻ với báo, ông Võ Duy Phú - Giám đốc Thương Mại và Marketing The Coffee House, cho biết “Ten Ren đã có 2 năm hoạt động nhưng chúng tôi chưa tìm thấy bài toán kinh doanh phù hợp với thị trường Việt Nam. Có vẻ cách kinh doanh của chúng tôi chưa phù hợp với thị hiếu người Việt". Đó là lý do vì sao The Coffee House đành ngậm ngùi đóng cửa 23 cửa hàng trà sữa Ten Ren để tập trung nguồn lực cho chuỗi cà phê đang phát triển.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số chuỗi trà sữa hiện nay chậm mở rộng hệ thống, hay thậm chí phải đóng cửa như Ten Ren là chi phí vận hành. Thách thức của các thương hiệu trà sữa là tìm kiếm mặt bằng thuận tiện, thiết kế không gian và trang trí bắt mắt để trở thành nơi tụ tập “sống ảo” cho giới trẻ.

Chưa kể, cuộc chơi đặt hàng trực tuyến với hàng loạt chương trình khuyến mãi cũng trở thành gánh nặng không nhỏ cho một số doanh nghiệp.

Do đó, theo bà Phạm Quỳnh Trang, các thương hiệu cần chuẩn bị tốt và có kế hoạch dài hạn cho cuộc cạnh tranh trên thị trường trà sữa Việt Nam.

{keywords}
Các thương hiệu cần chuẩn bị tốt và có kế hoạch dài hạn cho cuộc cạnh tranh trên thị trường trà sữa Việt Nam. Ảnh: Yummy Feed. 

Đó không chỉ là sự chuẩn bị về mặt chiến lược hay tài chính, mà các doanh nghiệp còn cần chú trọng đến hệ thống chất lượng. Với hình thức nhượng quyền phổ biến hiện nay, việc đảm bảo chất lượng đồng đều ở các cửa hàng rất quan trọng, tuy nhiên “không hề dễ dàng hoặc chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng”, bà đánh giá.

Bà cho biết thêm, “với sự phát triển của công nghệ và truyền thông 2 chiều, tiếng nói của người tiêu dùng đã có tầm ảnh hưởng rộng hơn. Họ có thể nhanh chóng và dễ dàng lan truyền một thông tin tốt hoặc xấu. Do vậy, dưới những áp lực này, chúng ta có thể hy vọng việc quản lý chất lượng sản phẩm dưới hình thức nhượng quyền sẽ được các doanh nghiệp chú trọng và ưu tiên hơn, từ đó nâng cao chất lượng hơn”.

(Theo Zing)