- Người Việt Nam có thể tự do sang Malaysia làm việc. Hãng hàng không Singapore Airline có thể khai thác các chuyến bay nội địa Việt Nam. Và tới đây, tỷ phú bán lẻ nổi tiếng của Tập đoàn BJC có thể bán bán tới 99% hàng Thái khi sở hữu toàn bộ 19 điểm siêu thị Metro.

Nỗi lo bị lấn át

Đó là viễn cảnh có thể bắt đầu từ sau 31/12/2015- ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập. Trong giây phút "giao thừa" hội nhập này, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại: cơ hội bao giờ cũng đi kèm rủi ro và thực sự, thách thức đang lớn hơn rất nhiều.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Việt Nam kể "Mới đây, nhà tỷ phú Thái Lan của BJC đã tuyên bố, sẽ bán tới 60% hàng Thái khi mua chuỗi siêu thị Metro. Nhiều khả năng, họ cũng sẽ mua luôn cả Big C. Họ đầu tư cả sản xuất và phân phối. Có những mặt, chúng ta đã đi làm thuê cho họ rồi".  

{keywords}
Cộng đồng kinh tế Asean là một thách thức hội nhập của Việt Nam

Đó là điều sẽ rất bình thường ở AEC - khi tự do lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ được khởi động mạnh. Ngay bây giờ, tại đường phố Hà Nội, đã có hàng trăm các cửa hàng với biển đề "hàng tiêu dùng Thái Lan" hay những shop quần áo chuyên made in Cambodia, Myamar,... mọc lên như nấm.

Đó chính là hình ảnh hiện hữu của AEC tại Việt Nam khi cùng với 9 nước ASEAN trở thành một thị trường hàng hoá đơn nhất- một trong 4 mục tiêu mà AEC hướng tới. Và mục tiêu này đã gần như được thực hiện toàn diện nhờ Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN) ký kết năm 2010.

Ở thị trường chung đó, thuế quan giữa Việt Nam và 9 nước đã được xoá bỏ 100% dòng thuế ở danh mục thông thường. 3 năm nữa, tức năm 2018, 7% số dòng thuế tiếp tục xoá bỏ và sau 2018, sẽ chỉ còn 3% số dòng thuế với thuế suất tối đa là 5% dành cho hàng hoá ASEAN vào Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh chuyện hàng hoá Việt lo ngại bị lấn át bởi hàng hoá ASEAN thì tới đây, năm 2016, với việc lưu chuyển tự do về dịch vụ, về lao động..., từ doanh nghiệp cho đến từng người lao động ở nhiều ngành nghề sẽ phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Chẳng hạn như dịch vụ thương mại, ông Phú chia sẻ: "Người ta sẽ cạnh tranh từ văn hoá phục vụ khách hàng mà đây lại là điểm nhà bán lẻ Việt Nam đang thua xa".

"Ở Lotte Hà Nội, một chiếc xe đẩy cũng có thể cho đứa trẻ nằm chơi thoải mái trong lúc bố mẹ đi mua hàng. Còn ở Aeon Long Biên, khách đi vệ sinh xong, còn có cảnh báo "quý khách có quên điện thoại không. Tại siêu thị của ta, mua hàng nhiều có khi không được một lời cảm ơn", ông Phú kể lại.

Hay như câu chuyện tự do nhân lực: "Lương một CEO làm việc trong siêu thị như Hapro còn tính theo quy định của Nhà nước, trong khi với Thái Lan, người ta có thể nhận lương 40-50 triệu thì làm sao, chúng ta cạnh tranh được?", ông Phú nói tiếp.

Những ngày gần đây, ngành hàng không Việt Nam cũng thấp thỏm âu lo khi năm 2016, mở cửa bầu trời ASEAN - một thị trường hàng không thống nhất được hoàn thiện.

Có thể hiểu rằng, từ nay, những hãng hàng không của Singapore, hay Brunei, Malaysia có thể mở các đường bay nội địa ngay tại Việt Nam. Các chuyến bay của Thái Lan, Indonesia cũng có thể được quyền bay bao nhiêu chuyến tới Việt Nam mà không còn bị giới hạn về số chuyến bay trong mỗi tuần như vừa qua.

Tới khi đó, nếu như Vietnam Airlines, VietJet Air,... không nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đội tàu hiện đại thì bầu trời Việt Nam sẽ chỉ dành cho chuyến bay của hàng không nước bạn.

Nói như ông Phú, "nước đến vai rồi"!

Sao phải lo sợ?

Tuy nhiên, phải nói rằng, đang có những hiểu lầm lớn về AEC hiện nay từ ngay trong cộng đồng doanh nghiệp.

{keywords}

Không giống như các FTA, AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực ASEAN nhằm hướng tới 4 mục tiêu chung. Và vì các mục tiêu này, 10 nước ASEAN đã ký với nhau những hiệp định, thoả thuận hay tuyên bố bằng văn bản liên quan. Đó không phải là một thoả thuận thương mại với các ràng buộc điều kiện qua lại nào đó.

Chính bởi thế, thời điểm 31/12/2015 chỉ là thời điểm mà AEC hoàn thành lộ trình hình thành ở giai đoạn đầu, chứ không phải là thời điểm để một loạt hàng hoá, dịch vụ nào đó bị xoá bỏ thuế quan, như thường thấy ở các FTAs.

Có khác chăng, từ năm 2016, thị trường hàng hoá, lao động, dịch vụ, vốn... ở Việt Nam có thể sẽ thêm áp lực cạnh tranh dữ hội hơn nhưng không có nghĩa sẽ tạo ra tác động đột biến. Một cách lạc quan, doanh nghiệp Việt vẫn còn thời gian để chuẩn bị cuộc chiến hội nhập mới.

Thậm chí, một chuyên gia kinh tế nói rằng, hãy tin vào sức sống của doanh nghiệp Việt và chính cuộc cạnh tranh khốc liệt sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh lên.

Nhìn lại quá khứ, có những câu chuyện thành công lớn của doanh nghiệp Việt trong sân chơi hội nhập.

Chẳng hạn như ở lĩnh vực dịch vụ lưu trú, sau 16 năm người Hàn Quốc xây dựng khách sạn Deawoo Hà Nội thì đến năm 2012, nó đã có ông chủ mới là Công ty điện tử Hanel của Việt Nam. Ban đầu Hanel chỉ sở hữu 70% cổ phần và giờ đã là 100% . Hay như chuỗi khách sạn Victoria tại Việt Nam được đầu tư bởi Công ty EEM Victoria Hong Kong thì từ năm 2011, cũng đã thuộc về doanh nghiệp Việt là công ty Du lịch Thiên Minh. Khách sạn 5 sao nổi tiếng Hilton Opera Hà Nội của liên doanh Đức- Áo giờ đây cũng thuộc Tập đoàn BRF Việt Nam.

Nếu trước đây, chúng ta yếu, không có công nghệ, không có vốn, nước ngoài đến đầu tư nhưng nhiều năm, chúng ta khoẻ lên, có trình độ rồi thì hoàn toàn có thể mua lại như cách mà những doanh nghiệp Việt kể trên đã làm.

Trung tâm WTO phân tích, trong nhiều cơ hội thì thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể là cơ hội được kỳ vọng nhiều nhất. Bởi ngày nay, nhà đầu tư đến Việt Nam sẽ không phải chỉ vì quy mô thị trường 90 triệu dân mà còn bởi, đó cũng là con đường thâm nhập thị trường 600 triệu dân của ASEAN.

Tuy nhiên, khi vào AEC, cơ hội nếu không chớp lấy và không chuẩn bị nội lực để đáp ứng thì cũng trở thành thách thức.

Phạm Huyền