Những bước đi vững chắc

Nhiều người nghĩ kinh doanh vàng bạc đá quý là lĩnh vực kinh doanh cổ điển, sơ cứng. Người mua vàng chủ yếu mang cất giữ. Nhận thức đó phần nào khiến các DN vàng thiếu đầu tư phát triển thương hiệu và sản phẩm giảm sự sáng tạo.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI hiểu rất rõ điều này. Ông cùng cộng sự đã gây dựng, phát triển một thương hiệu nổi danh trong lĩnh vực vàng bạc đá quý từ 1994 đến nay. Sau thời gian định vị thương hiệu vàng bạc đá quý DOJI trên thị trường, Tập đoàn chọn chiến lược kinh doanh đa dạng các dòng sản phẩm. 

{keywords}
 Không gian mua sắm hiện đại, đẳng cấp nhưng hài hòa, thân thiện trong tòa nhà DOJI Tower, tại số 5 Lê Duẩn, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt mới của DOJI khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tham gia tái cấu trúc ngân hàng TienPhong Bank (TPBank). Sau vài năm tái cơ cấu, TPBank như được thổi một làn gió mới. Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, TPBank được ghi nhận là ngân hàng trẻ trung, năng động, ứng dụng nhiều công nghệ, giúp khách hàng trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, an toàn, tiện ích, hiện đại.

Hai năm sau, DOJI "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản từ khi thành lập công ty DOJILand. Hiện các dự án bất động sản của DOJILand trải dài khắp cả nước như dự án tổ hợp căn hộ cao cấp. Tập đoàn đang sở hữu nhiều khu đất giá trị tại Hà Nội và TP.HCM nhưng trong đó nổi bật là tòa DOJI Tower tại số 5 Lê Duẩn (Ba Đình, Hà Nội).

Ông Phú cho biết, kinh doanh đa ngành nghề tại Việt Nam đều đan xen cơ hội và thách thức, như lĩnh vực bất động sản, tập đoàn nhận thấy cơ hội lớn từ 2011, 2012 với quỹ đất dồi dào bên cạnh lợi thế tiềm lực tài chính. Nhưng ba năm sau DOJI mới tham gia bởi lúc đó đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu, quản trị tốt hệ thống tài chính, ngân hàng tại TPBank. "DOJI cho rằng đầu tư đa ngành cần chọn đúng thời điểm và có chiến lược riêng", ông Phú nói.

Chiến lược đa ngành khác biệt 

Theo Tổng giám đốc DOJI, DN không đầu tư đa ngành theo phong trào, mà có những bước đi thận trọng. Ông cho rằng muốn thực hiện chiến lược đa ngành, doanh nghiệp bắt buộc phải có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Hiện DOJI có vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng, tổng tài sản 12.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2009 đạt mức 11.000 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến gấp hơn 8 lần với 90.000 tỷ đồng.

"Chiến lược phát triển của chúng tôi rất xuyên suốt, có quá trình tiếp nối. Công ty nắm bắt thời cơ, chọn một số thời điểm đưa ra các bước đi có tính bùng nổ, đột phá nếu nhận thấy cơ hội từ thị trường", vị lãnh đạo nói.

Khi xây dựng tòa DOJI Tower với vị trí gần các tuyến phố Hồ Gươm, Tập đoàn muốn kiến tạo một điểm đến văn hoá - du lịch độc đáo của Thủ đô, nơi du khách quốc tế có thể chiêm ngưỡng, mua sắm những sản phẩm vàng bạc, đá quý tinh xảo đẳng cấp do người Việt chế tạo. DOJI hợp tác với các công ty du lịch lữ hành, đưa tòa nhà vào danh sách các sản phẩm du lịch, tăng lựa chọn địa điểm tham quan cho du khách.

"Mục tiêu của DOJI là trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam trong 5 năm tới. Chúng tôi có khát vọng đóng góp cho đất nước trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Người Việt không thua kém người nước ngoài về IQ, EQ. Đất nước không có lý do gì để thua kém các quốc gia phát triển", ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.

Hiện Tập đoàn đặt ra nhiều chiến lược mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu, vượt qua giới hạn của môt doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc truyền thống, gia tăng thị phần tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Doãn Phong