- Các nhà đầu tư lớn, bé vẫn tiếp tục chào bán cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, dù chấp nhận mức giá rẻ, thấp hơn mệnh giá cũng chưa hẳn đã tìm được người mua.

Buông rẻ cắt lỗ

Vài tuần gần đây, trên một số trang giao dịch cổ phiếu OTC, số lượng các thông tin rao bán cổ phiếu ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Cuối ngày 1/4, một NĐT đăng thông tin cần bán 50 ngàn cổ phiếu của một ngân hàng thuộc nhóm G12 nhưng mức giá chào bán rất thấp 2.500 đồng/cp với lời rao chấp nhận cắt lẻ lô để bán.

Hiện tượng NĐT chấp nhận bán cổ phiếu ở mức giá thấp khá phổ biến. VCBank đang được bán ở mức 5.500 đồng/cp; LVBank ở mức 5.000 đồng/cp; ABBank ở mức 4.100 đồng/cp; OCB ở mức 5.000 đồng/cp. Hầu hết các lô cổ phiếu NH được rao bán có khối lượng 50-100 ngàn đơn vị. Các điều kiện bán khá linh động và giá cả có thể thỏa thuận thêm.

{keywords}
Cổ phiếu ngân hàng một thời được coi là cổ phiếu vua, được nhiều người ưa chuộng.

Không chỉ các NĐT cá nhân mà cổ phiếu NH còn chịu nhiều áp lực hơn khi mà nhiều tổ chức là các DN lớn vẫn tiếp tục lộ trình thoái vốn ngoài ngành. Các nhà đầu tư đang chờ đợi một đợt chào bán lớn của nhà đầu tư có tổ chức với quy mô lên tới hàng trăm tỷ đồng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, áp lực sẽ còn rất lớn khi nhiều NHTM đang sở hữu cổ phần ở nhiều hơn 2 TCTD vẫn chưa hoàn thành việc thoái vốn để giải quyết tình trạng sở hữu chéo. Theo đó, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác. Tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Cụ thể, Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị. Vietinbank hiện đang sở hữu 10,4% cổ phần tại Saigonbank, ABBank sở hữu 8,4% EVN Finance…

Trước đó, nhiều “ông lớn” cũng khiến giới đầu tư xôn xao khi bán tháo nhiều cổ phiếu NH với giá rất thấp. Cuối năm ngoái, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chào bán cổ phiếu của NH Phương Đông (OCB) và NHTMCP Sài Gòn (SCB) với giá dưới 5.000 đồng/cp nhưng vẫn ế.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khá khôn ngoan trong cách xử lý khoản đầu tư ngoài ngành trong bối cảnh cổ phiếu NH không hề dễ tìm người mua. Petrolimex lựa chọn phương án sáp nhập PGbank về cùng một nhà với Viettinbank trước mắt để đảm bảo giảm tỷ lệ sở hữu.

Tuy nhiên, những tồn tại trong ngành NH nói chung và tại PGBank đã khiến quá trình sáp nhập liên tục lỡ hẹn, chuyển sang quý I/2016 thay vì quý I/2015 hay trong năm 2015 như kỳ vọng trước đó.

Cuối 2015, Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (GAS) được xem là một trong các DN may mắn bởi đã hoàn thành việc thoái vốn tại SeABank. GAS đã bán thành công toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank với giá chào bán nhỉnh hơn mệnh giá một chút.

Trên thực tế, thời hoàng kim của cổ phiếu NH đã qua đi. Bên cạnh đó, các quy định của NHNN đã buộc các DN phải tìm cách thoái vốn ra khỏi lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc buông cổ phiếu giá rẻ cũng không phải dễ.

Cho tới thời điểm này, EVN vẫn chưa thoái vốn thành công hàng chục triệu cổ phần ABBank. Trong khi, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cũng còn tồn đọng trên 10,7 triệu cổ phần Saigonbank cho dù đã một lần chào bán dưới mệnh giá.

Khó kiếm khách

Điều đáng buồn là trong nhiều phiên đấu giá cổ phần NH, không ít cổ đông lớn chấp nhận bán ở mức giá khá rẻ nhưng đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá hoặc chỉ có một NĐT khiến phiên đấu giá phải hủy bỏ.

{keywords}
Tuy nhiên, gần đây nhiều cổ phiếu ngân hàng không còn thực sự hấp dẫn.

Đại diện một CTCK cho rằng, ngành NH sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét trong thời gian tới. Tuy vậy, nhìn chung, cổ phiếu NH vẫn đang trong giai đoạn thiếu sự ổn định khiến nhà đầu tư phải thận trọng.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank có thời kỳ tăng gấp hơn 1,5 lần lên trên 50 ngàn đồng/cp. Cổ phiếu BID của BIDV có thời điểm lên gần 30 ngàn đồng/cp. CTG của VietinBank cũng chứng kiến khoảng thời gian nửa đầu 2015 tăng trên 50%... Tuy nhiên,mấy ngày gần đây, giá các cổ phiếu này đang đảo chiều giảm mạnh dù khối lượng giao dịch khá lớn. Giá VCB còn xoay quanh mức 40 ngàn/cp còn BID chỉ còn xoay quanh 16 ngàn đồng/cp.

MBBank cũng đã chứng kiến đợt tăng gần 20% hồi đầu 2016. Cổ phiếu này gần đây được nhóm Dragon Capital chi nghìn tỷ mua lại từ Maritime Bank. Vietcombank gần đây cho biết dự kiến chào bán riêng lẻ 10% cổ phần cho NĐT nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch CTCK TVSI cho rằng, nhiều cổ phiếu NH vẫn trong quá trình tái cơ cấu và tiếp tục trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nên kết quả kinh doanh sẽ không được cao như thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2006-2007 trước đây.

Nhiều NĐT ngao ngán cho rằng cổ phiếu NH làm của hồimôn không đắt. Không ít người mua ở mức giá 70-80 ngàn đồng nhưng gần chục năm qua hầu như không nhận được cổ tức bằng tiền mặt và giá cổ phiếu 10 phần giờ chỉ còn lại 1.

Trên thực tế, hầu hết các báo cáo đều cho thấy, so với các năm trước, năm 2015 tình hình các NH đều đã sáng sủa hơn khá nhiều. Nợ xấu của cả ngành đã rút về dưới 3%, thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào…

Tuy nhiên, với nhiều người, giá của hàng loạt các cổ phiếu NH như ABBank, LVB, BVBank, Techcombank, SCB, OCB, VABank, TPBank… được niêm yết trên một số trang mạng OTC ở mức dưới 10 ngàn đồng cho thấy độ hấp dẫn thực sự của cổ phiếu ngành này vào thời điểm hiện tại.

Một NĐT trên sàn SSI Hà Nội cho rằng, cổ phiếu NH vào thời điểm này không hấp dẫn cũng là điều dễ hiểu. Theo NĐT này, nếu như trước đây, cổ phiếu NH chưa niêm yết trên sàn hấp dẫn các NĐT nhỏ lẻ bởi liên tục có sóng tăng giá, thì giờ đây tính thanh khoản rất thấp. Và điều quan trọng nhất là: những yêu cầu minh bạch hơn đối với các TCTD và những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý khiến các “ông lớn” không mặn mà với cổ phiếu ngành này.

V.Hà