- Đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của 5 luật thuế, do Bộ Tài chính soạn thảo, chưa có đánh giá tổng thể tác động lên đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình, các doanh nghiệp bất động sản và sản xuất kinh doanh nước ngọt, đang lên tiếng than phiền.

Bất động sản lo lắng

Phát biểu tại Hội thảo: “Góp ý một số điều của 5 luật thuế”, tổ chức ngày 14/9 tại Hà Nội, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó TGĐ dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, cho biết, Bộ Tài chính đề nghị đưa chuyển quyền sử dụng vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), với mức thuế suất thông thường 10% và bỏ quy định giá tính thuế GTGT đối với kinh doanh BĐS, là nội dung có tác động khá lớn đến toàn xã hội.

Giao dịch BĐS tạo ra luồng luân chuyển về tài chính tiền tệ, chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng, tiêu dùng đối với hệ thống ngân hàng, tín dụng Việt Nam. Đánh thuế GTGT lên quyền sử dụng đất trên thực tế là đánh thẳng vào người tiêu dùng cuối cùng. Điều này ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua khiến thị trường bị chững lại, kéo theo hàng loạt hệ luỵ đối với các ngành liên quan.

{keywords}

Bộ Tài chính đề nghị đưa chuyển quyền sử dụng vào diện chịu thuế GTGT, với mức thuế suất thông thường 10%.

Về bản chất, thuế GTGT là thuế đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hoá dịch vụ lưu thông tiêu dùng. Khi nhìn nhận như vậy, quyền sử dụng đất theo Luật Thương mại, không được xem là hàng hoá thông thường. Bản chất quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý, tương tự hàng loạt quyền khác như quyền sở hữu trí tuệ, quyền mua bán ngoại tệ... vốn không nằm trong đối tượng chịu thuế GTGT.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, nếu đề xuất trên được thông qua, giá nhà ở sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi đó, 70% thị trường BĐS là nhà ở, đây cũng là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Một ngôi nhà, khi chuyển nhượng, hiện chỉ chịu lệ phí trước bạ 0,5% và thuế thu nhập cá nhân 2%. Nếu bị áp thuế GTGT lên quyền sử dụng đất, vô hình trung giá sẽ tăng thêm lên 12%. 

Tiếp đến là quy định giá tính thuế GTGT không được trừ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Nếu không được khấu trừ, giá nhà sẽ tăng thêm từ 5-7% tuỳ loại. Thị trường BĐS sẽ đóng băng ngay lập tức. Trong khi đó, BĐS có quan hệ lớn đến các thị trường khác như xây dựng, sản xuất vật liệu,... đặc biệt là tín dụng, sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực, ông Hà nói.

Nước ngọt đắt thêm

Cũng tương tự như vậy là tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt cũng được nhiều chuyên gia đưa ra phân tích.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự kiến tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, thuế TTĐB với nước ngọt 10% và thuế suất GTGT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%,... sẽ tác động mạnh với doanh nghiệp ngành này.

{keywords}

Tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt cũng được nhiều chuyên gia đưa ra phân tích.

Nếu được ban hành, giá cả sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng do mức thuế GTGT áp dụng cho đường. 

Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là DN nhỏ và vừa. Các DN ngừng sản xuất thì nguồn thu cũng không còn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã xây dựng.

Hơn nữa, giá bán cao còn có khả năng dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng phát triển. Nhiều người tiêu dùng sẽ chuyển sang lựa chọn những sản phẩm khác mà trong đó có những sản phẩm kém chất lượng, như vậy lại gây tác hại tới sức khỏe.

Đấy là chưa kể khái niệm về nước ngọt do Bộ Tài chính đưa ra còn gây nhiều tranh cãi và gộp vào đó cả những sản phẩm giúp tăng sức khỏe nhất là cho người bệnh và trẻ em.

Bà Đặng Bình An -  Hội tư vấn Thuế - cho biết, cơ cấu thuế GTGT tăng trong thu ngân sách của Việt Nam cao hơn các nước. Có nhiều khoản thu khác phát sinh chưa bao quát được hết, cần xem xét đảm bảo cho DN. 

Riêng thuế GTGT thời gian qua sửa liên tục. Năm 2008 sửa, tới 2013 lại sửa, 2014 cũng sửa, 2016 tiếp tục sửa và nay 2017 lại sửa nữa,... Có nhiều sản phẩm, ngành hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đưa vào rồi lại đưa ra rồi lại đưa vào. Nhìn là thấy thiếu sự ổn định, các DN không biết đâu mà lần, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng thu, hiện chỉ có thuế tiêu thụ đặc biệt và GTGT là dễ thu nhất. Thuế thu nhập, DN phải có lợi nhuận mới thu được. Thuế xuất nhập khẩu giảm nhiều do cam kết hội nhập. Vì vậy, nếu thu không đủ chi, thời gian tới khả năng tiếp tục bị điều chỉnh là khó tránh khỏi.

Về đề nghị sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, có rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Đến nay, kết quả của bản đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế vẫn chưa được công bố, mặc dù Bộ Tài chính đã làm. Mọi người vẫn chưa biết kết quả ngân sách sẽ tăng thu được bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay lại liên tục phải điều chỉnh? Tác động đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế ra sao, ngành kinh tế nào sẽ bị thua thiệt nhất? Việc điều chỉnh các luật thuế có phù hợp với chiến lược phát triển của các ngành kinh tế không?

Theo bà Phạm Chi Lan, việc đánh giá tác động của việc sửa 5 luật thuế này, nếu do Bộ Tài chính thực hiện, thì khó đảm bảo tính khách quan. Đánh giá tác động phải do những đơn vị độc lập thực hiện.

Trần Thủy