Tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2018 tăng 7,08% - mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Nhưng lạm phát trong tháng 6 cũng tăng cao nhất trong 7 năm qua. Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang gặp nhiều áp lực.

Giữ giá, áp lực lớn

Lạm phát là điều cần lưu ý trong 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm. Lý do, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng tới 0,61% so với tháng trước. Đây là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua khi có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước.

Điều này đã đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 (mục tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 4%).

{keywords}
Giá cả có chiều hướng tăng khá cao thời gian gần đây. Ảnh: Quang Phúc

Tổng cục Thống kê cho rằng: Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017. Như vậy, để giữ mức CPI bình quân năm 2018 dưới 4% trong bối cảnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể điều chỉnh tiếp thì Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường.

“Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”, Tổng cục Thống kê lưu ý.

Phân tích cụ thể hơn các yếu tố làm CPI tăng cao, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng do giá dịch vụ y tế, học phí, lương tối thiểu vùng tăng. Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm cũng tăng khá mạnh khiến CPI tăng theo.

Nếu sắp tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng “kịch trần” như đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ thì sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả.

Bà Đỗ Thị Ngọc tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng thì sẽ tác động làm tăng CPI lên khoảng 0,27-0,29%.

Cùng với các yếu tố khó lường khác, đại diện Vụ Thống kê giá nhận định “áp lực rất lớn” với lạm phát, tuy nhiên bà Ngọc vẫn tự tin rằng mức lạm phát dưới 4% năm 2018 “chắc là vẫn đạt được”.

{keywords}
Chủ động kiềm chế mức tăng giá cả trên thị trường. Ảnh: Quang Phúc

Cảnh báo lạm phát

Thực tế, ngay từ tháng 5, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã đặc biệt chú ý đến yếu tố lạm phát đang tăng lên. Khi đó, Ủy ban này nhận định, lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017.

Cụ thể, theo tính toán của cơ quan này, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8% so với cùng kỳ.

Trường hợp giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ, lên mức 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.

Nhắc lại những lần lạm phát tăng cao khủng khiếp, bà Đỗ Thị Ngọc chia sẻ: Năm 2008 lạm phát tăng gần 23%. Năm 2011 tăng 18,58%. Sau đó tháng 2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị quyết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Từ đó đến nay, việc kiểm soát lạm phát được quan tâm hơn. Từ mức lạm phát 18,58% của năm 2011 thì sang năm 2012 còn 9%, tức đã xuống một con số.

“Những năm gần đây Chính phủ chủ động kiểm soát lạm phát chứ không phải khi xảy ra rồi mới đưa ra Nghị quyết kiềm chế lạm phát như năm 2011. Tổng cục Thống kê và các bộ ngành khác phối hợp chặt chẽ, mỗi khi điều chỉnh giá mặt hàng, dịch vụ nào đó đều tính toán thời điểm tăng để chủ động đối phó”, bà Ngọc cho biết.

Vì thế, bà Đỗ Thị Ngọc khẳng định: Chu kỳ lạm phát tăng cao như 10 năm trước sẽ không lặp lại do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó.

Ngay tại phiên họp Chính phủ cách đây một tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt chú ý tới lạm phát. Thủ tướng nhấn mạnh tới các giải pháp điều hành để mục tiêu lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.

Trong kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu phải theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường; điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung.

Một vài số liệu kinh tế xã hội nổi bật khác trong 6 tháng năm 2018

GDP ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Khách quốc tế ước tính đạt 7,8 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017,

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng năm 2018 ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước

Tính chung 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 2,71 tỷ USD.

Hà Duy