Theo Bloomberg, những người sưu tập trái phiếu Trung Quốc thời nhà Thanh đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump đòi Bắc Kinh trả món nợ trăm năm này. Năm 1911, một nhóm ngân hàng tại London (Anh), Berlin (Đức), Paris (Pháp) và New York (Mỹ) phát hành trái phiếu Đường sắt Hồ Bắc.

Trái phiếu Đường sắt Hồ Bắc được bán nhằm gây quỹ xây dựng tuyến đường sắt từ Hán Khẩu tới Tứ Xuyên. Mỹ từng mô tả dòng tiền đổ vào Trung Quốc đầu thế kỷ 20 là “ngoại giao đồng USD” để xây dựng quan hệ ngoại giao và khai thác thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, với Trung Quốc, đó là “thế kỷ ô nhục” vì quốc gia này bị nước ngoài kiểm soát.

Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng tìm nguồn vốn thị trường quốc tế, bao gồm việc bán trái phiếu. Tổ chức American Bondholders Foundation (ABF) - đại diện những người sở hữu trái phiếu Trung Quốc phát hành trước khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời - hi vọng ông Trump sẽ dùng số nợ cũ này để “trị” Bắc Kinh.

{keywords}
Trái phiếu Đường sắt Hồ Bắc. Ảnh: Bloomberg. 

Hiện tại, hàng nghìn tờ trái phiếu cổ của Trung Quốc vẫn được lưu giữ trong gia đình của nhiều người Mỹ và được bán đấu giá trên eBay. Người đồng sáng lập ABF Jonna Bianco khẳng định nếu tính cả lãi và các khoản tiền phạt, Trung Quốc đang nợ Mỹ tới 1.000 tỷ USD.

Chính quyền Trung Quốc không công nhận số nợ này. Bà Bianco cho biết đã gặp Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để thảo luận về vấn đề này. Bà mô tả ông Trump là “một người tuyệt vời”. Các đại diện của ABF cũng đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hồi tháng 4.

“Với Tổng thống Trump, đây sẽ là một cuộc chơi hoàn toàn mới”, Bloombergdẫn lời bà Bianco nhấn mạnh. “Ông ấy thực sự coi nước Mỹ là trên hết”. Bà cho rằng nếu Trung Quốc không chịu trả nợ, nước này cần bị cấm bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính toàn cầu.

Các chủ sở hữu trái phiếu Đường sắt Hồ Bắc từng kiện chính phủ Trung Quốc đòi tiền vào năm 1979 nhưng bất thành. Giới quan sát cũng nhận định rất khó để đòi Bắc Kinh thanh toán món nợ cổ xưa này.

Trên thực tế, các quy định pháp lý về việc một chính phủ phải có nghĩa vụ thanh toán nợ do chính phủ đời trước để lại sau biến động chính trị là rất lằng nhằng. Liên Xô từng từ chối thanh toán các món nợ thời Sa hoàng.

Dù vậy, Bloomberg cho biết chính phủ một số nước vẫn chịu trách nhiệm thanh toán trái phiếu của chính phủ đời trước để tránh mất lòng các nhà đầu tư tương lai. 

(Theo Zing)