Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đã cho ý kiến về việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ. Ông đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang tốt lên so với thời kỳ trước. Cụ thể, kinh tế vĩ mô đã ổn định và phát triển, lạm phát được kiềm chế.

{keywords}
Đại biểu Trần Quang Chiểu cho ý kiến về việc điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ. Ảnh: Minh Quân.

“Chính phủ đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng năng động, linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường, ăn khớp với chính sách tài khóa và một số chính sách kinh tế khác”, đại biểu Chiểu đánh giá.

Vị này cho biết Chính phủ đã xử lý nợ xấu nhanh và chắc. Nợ xấu từ trên 10% của toàn hệ thống hiện xuống chỉ còn 2,02%. Toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 43% số nợ xấu, tương đương số tiền trên 227.000 tỷ đồng.

Về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đại biểu đánh giá Chính phủ đã điều hành cung ứng đủ nhưng vẫn gắn chặt với hiệu quả vốn tín dụng.

Đại biểu Nam Định cũng cho biết trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực phải tăng lãi suất, dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại nhưng Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng thương mại chủ động tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh nên vẫn duy trì ổn định lãi suất huy động.

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm. Song song với đó, việc điều chỉnh tỷ giá và thị trường vàng của Chính phủ được vị đại biểu này đánh giá cao.

Tuy vậy, ông Chiểu nhận định cách điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ vẫn còn những điểm cần khắc phục. Ông đưa ra 3 khuyến nghị trong thời gian tới.

Thứ nhất, đại biểu mong Chính phủ sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay. Ông chỉ ra trong khi lãi suất của Việt Nam cao, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Trong khi lãi suất cao làm cản trở cho giảm giá thành sản phẩm, chi phí xã hội và giảm cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân, phục vụ cho nền kinh tế hàng năm.

"Thực trạng Việt Nam phải vay ngoại tệ ở nước ngoài nhiều tỷ USD để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong khi lượng vàng và ngoại tệ của dân lại rất lớn", ông nói.

Thứ ba, đại biểu Chiểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem lại các phương thức giải ngân. Ông cũng đề xuất mỗi người chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ, hoặc không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày.

(Theo Zing)