Năm 2018, nhóm đầu tư trong nghề xây dựng và bất động sản ông Đào Ngọc Thanh và ông Nguyễn Xuân Đông đã “ghi dấu” ngay sau khi “chơi 1 vụ nổi như cồn” với thương vụ hơn 7.000 tỷ “ôm trọn” 57,7% cổ phần của Tổng công ty này.  Bỏ qua những ồn ào tranh chấp pháp lý, ông lớn số 1 một thời của ngành xây dựng Việt Nam đã “lầm lì” bước đi nhằm khôi phục vị trí sau quãng dài “chìm nổi”.

Điều bất ngờ đầu tiên chính là khối tiền tươi được hé lộ mới đây khi Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) công bố một loạt các thông tin chính thức. Theo đó, những hoạt động suốt thời gian qua đã được doanh nghiệp này công khai hé mở.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2019, Vinaconex ghi nhận khoản tiền mặt lớn: 1.660 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức 1.840 tỷ đồng hồi đầu năm nhưng trên thực tế là một con số tích cực bởi DN đã chi trả cổ tức bằng tiền tươi 441 tỷ đồng cho các cổ đông.

Sau hơn 3 tháng kể từ khi nhà nước thoái vốn, nhóm mới xuất hiện đi kèm theo đó là những ồn áo, đồn đoán nhiều hơn là chuyện làm ăn thì người ta khá bất ngờ về ‘khối tiền ngàn tỷ và núi việc cho vạn người’ ở ông lớn này.

Báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập quý 1/2019 tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nợ ngắn và dài hạn đều giảm so với cuối kỳ trước. 

{keywords}
Vinaconex ghi dấu ấn đầu năm mới 2019, ngay sau khi Nhà nước thoái vốn.

Tiền về đã quý, nhưng có lẽ khó hơn là tạo được công ăn việc làm ổn định cho 2 vạn người còn quan trọng hơn. Trong quý 1/2019, Vinaconex  bắt đầu quay lại với thế mạnh của chính mình - xây dựng và bất động sản - với sự góp mặt của những người có nghề trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản du mới tiếp quản 1 thời gian ngắn.

Đầu năm 2019, Vinaconex đã trúng tổng thầu xây lắp bằng việc khởi công dự án khách sạn 5 sao Mikazuki Spa & Hotel Resort, do Tập đoàn Mikazuki - Nhật Bản đầu tư tại Vịnh Đà Nẵng với giá trị hợp đồng hơn ngàn tỷ đồng; được Công ty Xây dựng Hyundai (HEC) - Nhà thầu chính của Dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn giao làm nhà thầu phụ với giá trị hợp đồng là 192 tỷ đồng.

Theo báo cáo của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Vinaconex đứng trong top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2019, chỉ xếp sau 3 doanh nghiệp tư nhân Coteccons (CTD), Hòa Bình (HBC), Unicons.

Ở vào thời điểm hiện tại, cũng như nhiều công ty xây dựng trong top 5 trên thị trường như Coteccons hay Hòa Bình, Vinaconex của ông Đào Ngọc Thanh còn khá nhiều hợp đồng xây lắp giá trị lớn, nhiều ngàn tỷ đồng như: Sunrise Bay Đà Nẵng, gói thầu 14 Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Mapletree Bắc Ninh, Bình Dương, dự án 21 Lê Văn Lương, tòa nhà Viettel Quảng Ninh…

Ngay sau khi Nhà nước thoái vốn, Vinaconex đã có nhiều hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. VCG đã trúng thầu và là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài 49ha tại phường Hải Hòa (Quảng Ninh) với tổng đầu tư hơn 1,4 ngàn tỷ; Giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng Dự án chưng cư cao 27 tầng tại số 93 phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội với Tổng mức đầu tư dự kiến là 1,2 ngàn tỷ đồng, đồng thời đang triển khai chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên,.. 

{keywords}
Ông Đào Ngọc Thanh được đánh giá là người có nghề trong lĩnh vực xây dựng. Ông Thanh từng là CEO Ecopark.

Diễn biến đó dường như đè lấp những ồn ào kiện tụng nên trên thi trường VCG đang tăng giá manh. Trong quý 1, Vinaconex đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cp cho các cổ đông. Đây là tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn so với hầu hết các năm trước đó. Xét trên mặt bằng các DN xây dựng, việc trả tiền mặt, tỷ lệ cao không phải là nhiều.

Giá trị cổ phiếu VCG trên sàn dưới thời nhóm mới tăng khá mạnh giúp “túi tiền” của các cổ đông đã đầu tư vào DN này đang tăng. Sau khi Vinaconex được chuyển giao từ cổ đông Nhà nước sang cổ đông ngoài Nhà nước, giá cổ phiếu VCG đã từ mức 18.300 đồng (cuối 11/2018 trên sàn HNX) tăng lên trên 29.000 đồng/cp và hiện tại vẫn ở mức khoảng 27.000 đồng/cp.

Trong khi đó, hầu hết các ông lớn xây dựng trên thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm với 8/10 phiên gần đây đi xuống. Cổ phiếu CTD giảm hơn 30% trong vòng chưa tới 5 tháng qua, còn so với cuối 2017 đã giảm hơn nửa, vốn hóa bốc hơi tổng cộng 9 ngàn tỷ đồng.

Ông lớn CTCP Xây dựng Hòa Bình (HBC) của ông Lê Viết Hải cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cổ phiếu HBC giảm gần 40% trong vòng 6 tháng qua và hiện mức 16.000-17.000 đồng/cp, thấp hơn khá nhiều so với mức khoảng 43.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi cuối 2017. 

{keywords}
Cú thoái vốn 57% của SCIC tại Vinaconex gây sốc với giá tăng vọt và mang về khoản thặng dư thêm 2 ngàn tỷ đồng cho Nhà nước.

Các tín hiệu ở Vinaconex là một minh chứng nữa cho thấy hoạt động thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không những hiệu quả thu về cho Nhà nước khoản tiền lớn hơn so với kỳ vọng mà còn góp phần tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp phát triển tốt hơn, có thể trở thành những thương hiệu lớn có khả năng cạnh tranh với khu vực như trong trường hợp Gelex (GEX) hay Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) trước đây.

Trước đó, hồi cuối 2018, nhóm cổ đông An Quý Hưng do ông Nguyễn Xuân Đông làm đại diện đã bất ngờ thực hiện thương vụ mua lại phần vốn gần 58% từ Nhà nước với số tiền lên tới 7.400 tỷ đồng tiền mặt.

 “Phiên đấu giá công khai minh bạch, và phần vốn Nhà nước đã được bán cao hơn dự kiến 2 ngàn tỷ, đó là thành công lớn trong thoái vốn Nhà nước. Còn với nhóm cổ đông mớicó nghề, Vinaconex đang có cơ tìm lại thương hiệu ông lớn số 1 lẫy lừng một thời'.

Mặc dù đang ở vào thời điểm không còn tươi sáng như trước khi thị trường bất động sản chùng xuống do tín dụng bị thắt chặt nhưng thị trường xây dựng đã bước vào giai đoạn trưởng thành hơn rất nhiều với các ông lớn đầu ngành xây dựng vẫn tiếp tục tăng trưởng như CTD, HBC và VCG.

Trong một báo cáo mới đâ,y Chứng khoán Rồng Việt cho rằng ngành xây dựng đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn mới. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc 2015-2017, nhiều công ty lớn đã tận dụng tốt giai đoạn đó để chiếm lĩnh thị phần. Các doanh nghiệp hàng đầu liên tục ký thêm được những hợp đồng giá trị ngàn tỷ, từ các đại gia bất động sản như dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 hay VinCity Gia Lâm, VinCity Đại Mỗ của Vingroup…
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao và ổn định cũng mang đến một bức tranh khá sáng sủa cho nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu ngành xây dựng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục trầm lắng. Áp lực bán trên diện rộng khiến lực kéo từ nhóm cổ phiếu trụ cột cũng không giúp nhiều cho thị trường. VN-Index chốt phiên tăng nhẹ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/5, VN-Index giảm 0,46 điểm xuống 971,54 điểm; HNX-Index tăng 0,3 điểm lên 105,32 điểm và Upcom-Index giảm 0,06 điểm xuống 55,07 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.

V. Minh