Ưu đãi vay mua nhà, mua xe

Hiện lãi suất cho vay mua ô tô của nhiều ngân hàng đang ở mức dưới 10%/năm. Đứng đầu danh sách cho vay mua ô tô với mức lãi suất thấp phải kể đến nhóm các ngân hàng nước ngoài.

Woori Bank đang cho vay mua ô tô với lãi suất 7%/năm, áp dụng trong 12 tháng đầu tiên. Hong Leong Bank cho vay với lãi suất 7,55%/năm, kỳ hạn 12 tháng đầu, 8,55%/năm  kỳ hạn 24 tháng đầu. Ngân hàng Standard Chartered áp dụng lãi suất 7,25%/năm cho 12 tháng đầu, với thời gian 24 tháng là 8,49%/năm và 36 tháng là 8,75%/năm. Shinhan Bank áp dụng mức lãi suất 7,69%/năm cho 12 tháng đầu, với kỳ hạn 24 tháng đầu là 8,6%/năm và 36 tháng đầu là 9,5%/năm.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho vay lãi suất 7,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng đầu tiên. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) áp dụng lãi suất cho vay mua ô tô, còn 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đầu. Tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), khách hàng vay mua xe mức lãi suất ưu đãi 6,99%/năm.

{keywords}
 

Những đơn vị khác có mức lãi suất cho vay mua xe dưới 10%/năm có thể kể đến như ngân hàng đầu tư phát triển (BIDV) 8%/năm; Ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 8,19%/năm; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 8,4%/năm; Ngan hàng Quân đội (MBB) 8,5%/năm,... Như vậy, khá nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất cho vay mua xe ô tô rất hấp dẫn.

Lãi suất cho vay mua nhà cũng rất hấp dẫn trong thời gian ưu đãi. Thấp nhất vẫn thuộc về nhóm các ngân hàng nước ngoài. Chẳng hạn, ngân hàng Standard Chartered hiện cho vay ưu đãi 6,49%/năm. Hong Leong Bank  6,75%/năm. Shinhan Bank 6,9%/năm. Woori Bank 7%/năm.

Từ tháng 09/2020, lãi suất ưu đãi cho vay cá nhân tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) được điều chỉnh giảm lần thứ tư, với mức thấp nhất chỉ từ 5,9%/năm. Cụ thể, tong chương trình “Vay ưu đãi – Lãi an tâm” khách hàng có thể lựa chọn 2 hình thức ưu đãi. 

Gói ưu đãi 1 áp dụng mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm cho 6 tháng đầu, 6,9%/năm cho 6 tháng tiếp theo. Gói ưu đãi 2 có lãi suất ổn định 6,9%/năm trong 12 tháng đầu, kèm các ưu đãi về phí trả nợ trước hạn.

Mức ưu đãi hấp dẫn này được ABBANK áp dụng cho các gói vay có thời hạn từ 24 tháng trở lên, kéo dài đến hết ngày 31/12/2020

Với các ngân hàng trong nước, Maritime Bank cho vay mua nhà lãi suất ưu đãi 6,59%/năm; Ngân hàng Tiên phong (TP Bank) 6,9%/năm; Techcombank 7,49%/năm; PVcombank 7,59%/năm; Vietcombank 7,7%/năm; BIDV 7,8%/năm.

Có thể thấy, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi với mua nhà mua xe gần ngang bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng của nhiều ngân hàng hiện nay. Không những thế, khách hàng còn được vay từ 70% giá trị nhà, xe trở lên, trong thời hạn dài.

Trong khi đó, nguồn cung nhà đất và ô tô lớn, nhu cầu thấp, giá bán giảm mạnh, lại được các ngân hàng sẵn sàng bơm vốn, vì vậy có thể nói khách hàng đang được hưởng lợi hơn hẳn so với trước. Về phía ngân hàng, tuy áp dụng lãi suất ưu đãi thấp, nhưng hết thời gian này, lãi suất sẽ được thả nổi, cộng với biên độ từ 3-4% nữa sẽ giúp tăng lợi nhuận.

{keywords}
 

Mơ lợi nhuận cao

Trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng thì cho vay mua nhà và mua xe ô tô, là 2 sản phẩm rất chiếm tỷ lệ lớn. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm khoảng 50% và vay mua xe chiếm khoảng 10% dư nợ vay tiêu dùng. Tín dụng tăng trưởng chậm, cho vay sản xuất kinh doanh “bí đầu ra”, vì vậy, các ngân hàng đang tập trung vay 2 sản phẩm này, nhằm tránh để “tiền chết”, qua đó đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng cuối năm.

Trong báo cáo tài chính quý II/2020 của một số ngân hàng có lợi nhuận tốt, là do mảng tín dụng tiêu dùng phát triển với cho vay mua nhà, mua ô tô chiếm tỷ lệ lớn.

Đại diện của Techcombank cho biết, cho vay bất động sản và cá nhân vẫn là trọng tâm của ngân hàng này. Trong đó, cho vay mua nhà chiếm 44% cơ cấu dư nợ bán lẻ. Nhiều ngân hàng khác cũng khẳng định, vay mua nhà và ô tô thế chấp bằng chính tài sản này nên rủi ro thấp và hiện tại nhu cầu vẫn lớn. Vì vậy, sẽ tiếp tục xây dựng những gói sản phẩm cho vay, với lãi suất hấp dẫn, để thu hút khách hàng.

Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.

{keywords}
 

Một số chuyên gia kinh tế còn nhận xét nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết, nhất là thời kỳ hậu Covid-19. Tiêu dùng được xác định là một trong ba động lực quan trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Mặc dù vậy, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang rất thấp. Việc làm bấp bênh, thu nhập giảm do dịch bệnh. Vì vậy, các ngân hàng, công ty tài chính có muốn đẩy mạnh cho vay cũng không dễ. Nếu cho vay dưới chuẩn, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro nợ xấu do ảnh hưởng có tính dây chuyền từ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng mua nhà, mua xe đang gặp khó khăn, mất khả năng trả nợ. Xe, nhà bị thu, phát mãi liên tục mà không thanh lý được. Nhất là với ô tô, để càng lâu càng hư hại mất giá.

Một số ngân hàng vừa qua đã thừa nhận, tỷ lệ nợ xấu tăng, có “đóng góp” lớn từ cho vay mua nhà, mua ô tô. Có ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu cho vay mua ô tô, đã chán nản, khi thấy rủi ro cao và lợi nhuận thấp, định hướng giảm phát triển mảng kinh doanh này. Nhưng nay “bí đầu ra” lại tiếp tục lao vào.

Trần Thủy