Dồn dập tăng giá

Sau một thời gian ổn định kéo dài nhiều năm qua, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng vọt trong tuần này. Mức tăng tổng cộng khoảng 300 đồng, từ 23.170-23.300 (mua - bán) lên 23.335-23.495 đồng như hiện tại.

Đầu giờ sáng 20/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tăng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ lên thêm 10 đồng so với phiên liền trước, lên 23.252 đồng đổi 1 USD. Chỉ trong vòng một tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 55 đồng (từ mức 22.197 đồng hôm 12/3).

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng tăng mạnh từ mức 23.843 đồng lên mức 23.900 đồng như hiện tại.

Cũng trong sáng 20/3, các ngân hàng tiếp tục nâng giá mua bán đồng USD. Vietcombank và BIDV niêm yết ở mức: 23.335 đồng (mua) và 23.495 đồng (bán). Vietinbank: 23.220 đồng (mua) và 23.380 đồng (bán). ACB: 23.350 đồng (mua) và 23.470 đồng (bán).

Trên thị trường tự do, giá USD "chợ đen" đã vọt lên 23.600 đồng (mua) và 23.700 đồng (bán), tăng khoảng 450 đồng tính từ đầu tuần.

{keywords}
USD lên mức cao nhất trong 3 năm.

Giá USD tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng dữ dội so với các đồng tiền khác trên thế giới. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt vọt lên mức 102,16 điểm, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là biến động hiếm có bởi nó diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa có hai đợt giảm lãi suất liên tiếp rất mạnh, tổng cộng hạ 150 điểm cơ bản, kéo lãi suất xuống 0-0,25%, một mức thấp lịch sử và giảm mạnh hơn hầu hết NHTƯ các nước khác chỉ khoảng 50 điểm phần trăm. Trung Quốc hạ rất ít, châu Âu và Nhật chỉ bơm tiền kích thích kinh tế.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, cho rằng, USD tăng là do cầu tăng trong ngắn hạn. Theo đó, dòng tiền bị rút về chính quốc khiến đồng bạc xanh tăng.

Theo ông Tuấn, sở dĩ USD tăng mạnh là do hiện tại, tất cả các loại tài sản đều được xem là không hấp dẫn bằng đồng bạc xanh, kể cả vàng, chứng khoán và trái phiếu chính phủ Mỹ, chưa nói tới cổ phiếu đang sụt giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Phần đông các đầu tư trên thế giới đã bán hầu hết tài sản để giữ đồng USD trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn lan rộng trên phạm vi toàn cầu, với số ca tử vong tại nước Ý vượt ngưỡng 3,4 ngàn trường hợp và cao hơn số người chết vì dịch này tại Trung Quốc. Tổng số ca nhiễm trên thế giới đã lên tới gần 245 ngàn người, với hơn 10 ngàn người tử vong.

{keywords}
Bảng Anh và euro sụt giảm.

Trong khi đó, các đồng tiền khác như euro, bảng Anh... đều giảm mạnh. Bảng Anh giảm mạnh chưa từng thấy kể từ 2016, mất mốc 1 bảng Anh đổi 1,17 USD, khi USD mạnh nhấn chìm tiền tệ toàn cầu. Đồng Euro cũng xuống ngưỡng 1 euro chỉ còn đổi được 1,074 USD.

USD dự báo sẽ sớm giảm trở lại

Các TTCK thế giới vẫn biến động bất thường. Chứng khoán châu Á hôm 19/3 đồng loạt giảm điểm bất chấp biện pháp kích thích của Ngân hàng TƯ châu Âu (ECB) với kế hoạch chi 750 tỷ euro (820 tỷ USD) để mua trái phiếu cho đến khi bệnh dịch qua đi. Sắc đổ tràn ngập trên TTCK Nhật, Hong Kong, Trung Quốc, Seul, Singapore,... Thị trường Manila có thời điểm lao dốc gần 25% sau khi mở cửa trở lại sau hai ngày ngừng giao dịch do tình hình dịch bệnh và chốt phiên cũng giảm hơn 13%.

Dù đồng USD tăng giá lần này là bất ngờ với các nhà đầu tư, song nhiều chuyên gia và nhà tạo lập chính sách cho rằng đây là một diễn biến dễ hiểu.

Theo Chứng khoán SSI, làn sóng nới lỏng toàn cầu được kích hoạt. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, đã có thêm hàng chục nước và vùng lãnh thổ giảm lãi suất điều hành từ 25-100 điểm cơ bản trong đó có Anh, Canada, Úc, Hong Kong.

{keywords}
Ông Donald Trump không muốn một đồng USD mạnh.

Nếu tính từ giữa 2019 đến nay, lần giảm lãi suất này đa phần là đợt giảm thứ 3 và 4 của các NHTƯ, vùng lãi suất điều hành hiện tại đã rất thấp, thậm chí lãi suất âm 0,1% đã được duy trì trong một thời gian dài ở Nhật Bản.

Vùng lãi suất điều hành hiện tại của các nước lớn đã thấp hơn giai đoạn cuối 2007 từ 350-500 điểm cơ bản. Dù có cắt giảm tối đa, tổng mức cắt giảm lãi suất của Fed cũng chỉ bằng một nửa so với thời kỳ 2008. Thêm vào đó, môi trường lãi suất thấp đã được duy trì trong suốt 7 năm (2009-2015), dù Mỹ có tăng nhanh lãi suất từ 2016-2018 nhưng hầu hết các nước EU, Nhật, Úc vẫn duy trì mức lãi suất thấp khiến cho tiền giá rẻ tràn ngập.

Dù vậy, đồng USD thế giới được dự báo có thể quay đầu giảm nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, với gói nới lỏng định lượng (QE) và kích thích kinh tế bung hàng loạt sắp tới, đồng USD sẽ giảm trong nay mai.

Theo CNBC, Thượng viện Mỹ vừa đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế Mỹ do tác động của đại dịch Covid-19, trong đó mỗi người dân sẽ được 1.200 USD tiền mặt. Gói cũng nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, tăng cường hỗ trợ dành cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu...

{keywords}
Tiền đồng được dự báo ổn định.

Đây là dự luật hỗ trợ thứ ba và là có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch Covid-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Trước đó, Fed cũng đã cam kết tăng lượng trái phiếu chính phủ nắm giữ thêm ít nhất 700 tỷ USD.

Một đồng USD mạnh cũng là điều mà tổng thống Mỹ Donald Trump không mong muốn. Nó cũng là nỗi đau đối với nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi. Bởi đồng USD mạnh, theo đánh giá của Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS, thì tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ suy giảm.

Tại Việt Nam, theo ông Tuấn, đồng USD có thể sẽ không biến động mạnh vì dư địa và giải pháp còn nhiều. Theo đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục. Đó là chưa kể tiền USD đổ vào Việt Nam nhiều.

NHNN đã có nhiều động thái điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường. Đặc biệt, NHNN cũng sẽ và có đầy đủ biện pháp, công cụ để can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

V. Minh