Tỷ giá trong nước

Ngày 6/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.234 đồng (giảm 5 đồng so với ngày hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.265 đồng.

Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại như sau: Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.520 đồng (mua) và 23.550 đồng (bán). Eximbank: 23.530 đồng (mua) và 23.550 đồng (bán).

Ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.239 đồng (tăng 7 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).

Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ như hôm 3/4, phổ biến ở mức 23.480 đồng (mua) và 23.650 đồng (bán).

Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.470 đồng/USD và 23.650 đồng/USD. Vietinbank: 23.435 đồng/USD và 23.615 đồng/USD. BIDV: 23.460 đồng/USD và 23.640 đồng/USD. ACB: 23.480 đồng/USD và 23.630 đồng/USD.

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ 

Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế.

Đối với các ngân hàng thương mại, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, ATM… vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong khoảng thời gian cách ly toàn xã hội. Do vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng.

Khuyến khích khách hàng sử dụng các phương thức giao dịch online tại nhà, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; tăng cường công tác an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử; tạm dừng giao dịch vào ngày thứ 7… là những giải pháp đang được các ngân hàng thương mại triển khai liên quan đến Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tỷ giá ngoại tệ

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,5% ở mức 107,75.

Covid-19 đã ập đến nước Mỹ, khiến hàng nghìn người tử vong và số bang khuyến khích hoặc yêu cầu người dân ở yên trong nhà ngày càng tăng. Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đang cố gắng giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch với chương trình cho vay đã chính thức có hiệu lực và những tờ séc được trực tiếp gửi đến nhiều hộ gia đình trong những tuần sắp tới.

Tuy nhiên, chương trình hứa hẹn sẽ cung cấp 350 triệu USD trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ để họ tránh được việc sa thải ồ ạt hiện vẫn rất mông lung vì lỗi kết nối đến website và thiếu phương thức liên lạc với các ngân hàng. Thêm vào đó, theo dự tính phải đến tận tháng 9 khoản tiền 1.200 USD cho mỗi cá nhân mới đến được tay người dân.

Kết thúc phiên 3/4. chứng khoán Mỹ giao dịch tiêu cực, thị trường chịu áp lực lớn từ thông tin về số lượng ca tử vong do Covid-19 ở New York và số liệu việc làm gây thất vọng.

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố tối 3/4, trong tháng trước, số việc làm của Mỹ giảm tới 701.000 - cao hơn nhiều lần so với mức dự báo giảm 100.000 được các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra trước đó. Đây là lần đầu tiên số liệu việc làm theo tháng sụt giảm kể từ 2010 đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên mức 4,4%, cao nhất kể từ 2017, trong khi số liệu tháng 2 là 3,5%, thấp nhất 50 năm.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể giảm xuống chỉ còn 1% hoặc 2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 là 6,1%, theo một tính toán gần đây của các chuyên gia phân tích. Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế có giá trị 14.000 tỷ USD này có thể sẽ không có tăng trưởng trong năm nay, World Bank cảnh báo.

Các chuyên gia phân tích đến từ UBS và Goldman Sachs gần đây đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 xuống lần lượt là 1,5% và 3%.

Đông Sơn