Theo Thời báo phố Wall, dù Nhân dân tệ đã tăng giá 9% so với USD kể từ tháng 6/2020 nhờ đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc dường như muốn duy trì 1 đồng tệ tăng giá ổn định, vì điều này có thể giúp tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang chuyển dịch trọng tâm sang chiến lược "tuần hoàn kép" hướng đến sản xuất và tiêu dùng nội địa, giảm phụ thuộc bên ngoài.

Sáng nay (3/3), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Theo đó, 1 USD đổi 6,4565 Nhân dân tệ, tăng 60 đồng so với hôm qua (2/3). Đây là mức quy đổi cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ giữa năm 2018.

{keywords}
Đà tăng của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Nguyên nhân được chỉ ra là do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh hậu COVID-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng đổ vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu; trong khi đồng USD yếu, lãi suất toàn cầu ở mức thấp.

Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh dường như thấy yên tâm với một đồng nội tệ mạnh hơn vì điều này hỗ trợ nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế hướng đến tiêu dùng, thay vì trọng tâm xuất khẩu như trước đây, đồng thời giúp giảm chi phí nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu và các sản phẩm chip đắt đỏ.

"Trung Quốc sẽ phát triển trở thành một nền kinh tế được dẫn đắt bởi tiêu dùng nội địa và điều này có nghĩa là nước này không cần phải tìm cách neo giá đồng nội tệ ở mức thấp giống như thường thấy ở một nền kinh tế mới nổi hướng đến xuất khẩu. Bắc Kinh đang chuyển dịch hướng đến mô hình tăng trưởng mới này, vậy nên, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng Nhân dân tệ mạnh lên sẽ có lợi nhiều hơn đối với nền kinh tế", bà Ju Wang, nhà chiến lược ngoại hối cấp cao, Ngân hàng HSBC, nhận định.

Tuy nhiên, đà tăng của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vốn đang đau đầu tìm cách đối phó với chi phí bất ngờ tăng vọt từ nguyên liệu thô cho đến cước vận tải biển.

{keywords}
Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh dường như thấy yên tâm với một đồng nội tệ mạnh hơn vì điều này hỗ trợ nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế hướng đến tiêu dùng. (Ảnh: The Economist)

Một số công ty xuất khẩu Trung Quốc nói rằng họ sẽ chuyển chi phí tăng thêm này cho khách hàng. Hồi tháng 1, cố vấn của PBoC cảnh báo việc Nhân dân tệ tăng thêm 5% hoặc hơn sẽ gây áp lực lớn cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

"Bắt đầu từ tháng 3, các mặt hàng xuất khẩu của chúng tôi sẽ tăng giá thêm 5% do đồng Nhân dân tệ liên tục tăng giá. Khách hàng mới đã chấp nhận mức giá này, nhưng chúng tôi cần thêm thời gian để thương lượng với khách hàng cũ", ông Xue Dong, Tổng Giám đốc Công ty Anji Wanbao Smart Home Technology, cho hay.

Thực tế, giới chức Trung Quốc đã tiến hành một vài bước đi để kìm hãm có kiểm soát đà tăng giá của Nhân dân tệ nhưng chưa đủ mạnh.

PBoC đã bỏ một quy định phải đặt cọc 20% giá trị các hợp đồng mua bán tiền tệ kỳ hạn được định danh theo USD. Động thái được cho là khuyến khích nhà đầu tư đặt cược cho cửa giảm giá của Nhân dân tệ.

Nhiều nhà kinh tế dự báo Nhân dân tệ sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm nay bởi nhu cầu toàn cầu đối với các tài sản Trung Quốc vẫn đang khá mạnh mẽ. Một đồng tệ mạnh hơn nhưng phải ổn định là những gì Bắc Kinh mong muốn trong thời điểm này.

(Theo VTV)