Không tăng lãi suất trong 2020

Không bất ngờ, sau phiên họp cuối cùng trong năm 2019 kéo dài 2 ngày 10-11/12, rạng sáng 12/12 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 1,5-1,75%.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Mỹ đã có những bật mí chính sách đang lưu tâm. Theo đó, Fed cho biết cơ quan này không mong đợi bất kỳ thay đổi chính sách nào trong ít nhất là năm 2020.

Điều đó có nghĩa, Fed sẽ chưa tăng lãi suất như lo ngại của giới đầu tư.

Trong cuộc họp báo sau phiên họp 2 ngày, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ quan này sẽ phải thấy sự leo dốc liên tục của lạm phát trước khi nâng lãi suất một lần nữa và quyết định 3 lần giảm lãi suất trong vài tháng trước của năm 2019 là để bù vào cho việc nâng lãi suất quá nhiều trong năm 2018, một động thái được cho là đã làm giảm tốc nền kinh tế.

Thêm vào đó, ông Jerome Powell cũng cho biết Fed sẽ duy trì chính sách tiếp tục mở rộng hoạt động cho vay qua đêm đến ít nhất là tháng 1/2020 và mua trái phiếu Chính phủ Mỹ cho đến quý 2 năm tới.

{keywords}
Trung Quốc dền dứ, Donald Trump nhận trợ lực trước cuộc chiến mới.

Quyết định của Fed là khá bất ngờ bởi hầu hết các tín hiệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khá khỏe mạnh, trái với đà suy giảm đáng kể của kinh tế Trung Quốc. Số việc làm tạo ra vẫn đang tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 50 năm và chứng khoán ở đỉnh cao kỷ lục mọi thời đâị.

Tín hiệu từ Fed được cho là một sự thuận chiều của người đàn ông quyền lực Jerome Powell trước tổng thống Donald Trump sau nhiều lần bị ông chủ Nhà Trắng chỉ trích, thậm chí đe dọa sa thải.

Quyết định này được xem là một trợ lực đáng kể trong bối cảnh ông Donald Trump đang bị dồn ép trước một Đảng Dân chủ tại Hạ viện với một loạt các kế hoạch cho việc luận tội vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và một cuộc chiến cam go đang diễn ra với Trung Quốc.

Định hướng chính sách của Fed ngay lập tức làm đảo chiều thị trường tài chính Mỹ cũng như thế giới. Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm trở lại với hàng loạt các cổ phiếu công nghệ như Apple, United Technologies tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu giảm nhờ dòng tiền đổ mạnh vào loại sản an toàn của nước Mỹ.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn treo khá cao trước một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Donald Trump thêm sức mạnh, thêm sức ép lên Trung Quốc

Những tin hiệu từ Fed ngay lập tức đã xóa bỏ nỗi lo của giới đầu tư rằng cơ quan này có thể sẽ lặp lại sai lầm hồi năm 2018 với một loạt các quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ sớm, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tăng điểm và đang ở quanh vùng đỉnh cao lịch sử.

Trên thực tế, với những chính sách kích thích của ông Trump từ giảm thuế trong nước cho đến siết dòng vốn ra  nước ngoài, nền kinh tế vẫn đang phát ra tín hiệu tích cực. Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy kinh tế nước này đã tạo ròng 266.000 việc làm mới trong tháng 11, vượt đáng kể so với mức dự báo 190.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm và tăng trưởng lương cũng cải thiện.

Tuy nhiên, rủi ro suy giảm tăng trưởng là hiển hiện. Theo một khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ, các chuyên gia dự báo GDP của nước này sẽ chậm lại còn 2,3% trong năm 2019 và 1,8% trong năm 2020 so với mức tăng 2,9% của 2018.

Rủi ro còn năm ở chỗ, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được cho là còn kéo dài với những mâu thuẫn chính giữa 2 nước chưa được giải quyết. Đại diện Mỹ và Trung Quốc vẫn liên tục tuyên bố đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn 1 tiến triển tích cực nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố.

Trong khi chưa có thông báo cụ thể, vẫn có những lo ngại rằng Mỹ sẽ áp thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/12. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ sẽ vẫn kích hoạt vòng thuế quan mới đánh vào lượng hàng hóa trị giá khoảng 156 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 15/12 tới.

Quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng gợi ý không tăng lãi suất trong cả năm 2020, thêm một lần nữa là sự đảo chiều chính sách của Fed và giảm sự đối đầu giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell và ông Donald Trump.

{keywords}
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài và đang trước một thời điểm quyết định cho thỏa thuận giai đoạn 1.

Trong một đánh giá gần đây, Ủy ban thị trường mở Fed (FOMC) cũng đã thừa nhận có sự lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ. FOMC đã từ bỏ câu chữ “kiên nhẫn” để mô tả cách tiếp cận về chính sách, một động thái nới lỏng (bồ cầu - dovish) hơn về chính sách tiền tệ. Fed cũng thừa nhận một thực tại rằng lạm phát đang “dao động thấp hơn” mức mục tiêu 2% của Fed.

Trước đó, mối quan hệ giữa 2 người đàn ông quyền lực của nước Mỹ rất căng thẳng. Ông Trump thậm chí từng yêu cầu các luật sư Nhà Trắng tìm cách giáng chức Chủ tịch Fed trong bối cảnh các chính sách của Fed khá cứng rắn và đi ngược với mong muốn của người đứng đầu nước Mỹ.

Định hướng chính sách theo hướng hỗ trợ nền kinh tế của Fed trong vài tháng gần đây có thể tạo ra những lợi thế nhất định cho ông Donald Trump trong các cuộc đàm phán gay cấn trước thời điểm Mỹ áp dụng vòng thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc vào 15/12 tới.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khá nhiều khó khăn. Trung Quốc vừa ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong gần 8 năm. Lạm phát tháng 11 của nước này tăng tới 4,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,8% của tháng 10 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2012, do giá thực phẩm tăng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi tháng 8/2018. Riêng thực phẩm, trong tháng 11 tăng 19% so với cùng kỳ, trong khi tháng 10 tăng 15,5%.

M. Hà