"Cảnh báo lừa đảo. Người này mình mới quen. Sau khi mình chơi coin một thời gian và thua, người này đề nghị đưa tài khoản để cậu ta giao dịch cho. Cậu ta chơi future, làm cháy tài khoản của mình mất hơn 200 triệu. Bây giờ gọi không nghe, hủy kết bạn. Anh em nào được nó liên hệ thì cẩn thận nhé", Trung Ninh, sống tại Hà Nội đăng trên một nhóm chuyên về giao dịch tiền mã hóa.

Chia sẻ với Zing, Ninh cho biết người bạn mới quen của mình, lấy tên tài khoản là K.M, là người điều hành một nhóm chuyên về mua bán tiền mã hóa, thường đăng lời khuyên mua những đồng tăng vài lần trong một tháng. Đó là lý do Ninh tin tưởng và giao tài khoản cho người này giao dịch.

Mất tiền vì tin vào "chuyên gia" coin

Ninh cho biết vì là người mới trong thị trường tiền điện tử nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Bản thân anh cũng thử tự mua, bán các loại tiền mã hóa trong gần 2 tháng nhưng chỉ thấy lỗ. Tổng số tiền mất khoảng gần 100 triệu.

K.M đã quen biết với Ninh từ trước thông qua một người bạn chung. K.M điều hành nhóm bàn về tiền mã hóa, và nhiều đồng coin mà người này phím thành viên mua đã tăng mạnh sau vài tháng. Theo chia sẻ của Ninh, ban đầu K.M đã gạ anh chia sẻ tài khoản để người này giao dịch thay, nhưng khi đó anh chưa có sự tin tưởng. Chỉ tới khi đã mất số tiền lớn, Ninh mới nghĩ tới chuyện nhờ người này mua bán thay cho mình.

"Cậu ta tiếp cận, hỏi han đúng lúc tôi vừa mất tiền, đang rất nản. Cậu ta trách tôi không đưa tài khoản từ trước, rồi khoe vừa giúp một bà chị kiếm được một tỷ sau 2 tháng. Lúc đấy tôi cũng nhẹ dạ, không suy nghĩ gì nhiều nên hôm sau đưa luôn tài khoản để cậu ta dùng", Ninh kể lại.

{keywords}
Đưa tài khoản cho người khác, nhà đầu tư thấy 200 triệu bị "nướng" vào sàn future. Ảnh: TA.

Tuy đưa tài khoản để K.M giao dịch, Ninh vẫn thường xuyên giám sát. Anh cho biết người này chỉ "đánh future" (mua hợp đồng tương lai, dựa trên đà tăng, giảm của coin), hình thức rủi ro cao hơn so với mua ví giao ngay.

"Sau vài ngày thấy mất tiền liên tục, cậu ta giải thích là do thị trường đang xuống, ai cũng mất thôi, rồi hứa sẽ 'gỡ' lại ngay. Do tôi cũng không rành về future, sợ bán thì lại mất hết nên vẫn để cậu ta xử lý.

Cậu ta dừng vào lệnh vài hôm, rồi lại chơi. Nửa tháng sau, tài khoản của tôi mất hết hơn 200 triệu. Trước đó, tôi thỏa thuận với cậu ta lãi thì chia 70/30, nhưng thua thì chia 50/50. Dù vậy, đến lúc mất tiền thật thì cậu ta trốn tiệt", Ninh chia sẻ.

Là một người đứng ở vai trò nhận tiền để giao dịch hộ, Nhật Tiến (sống tại Hà Nội) cho biết cũng rất sốt ruột với những diễn biến thị trường trong tháng qua. Ban đầu chỉ đầu tư cho mình, sau đó Tiến nhận giao dịch hộ cho một người bạn thân. Từ số tiền 10 triệu, Tiến kiếm được 40 triệu cho bạn mình.

Nhóm bạn chơi cùng thấy vậy cũng "gửi" mỗi người vài chục triệu cho Tiến giao dịch hộ. Số tiền này được Tiến dùng để mua future những đồng anh đánh giá là tiềm năng, với mức đòn bẩy thấp và có đặt cắt lỗ. Dù đã dùng nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro, các khoản đầu tư cũng không thể giữ được khi thị trường biến động mạnh từ giữa tháng 5.

"Số tiền lãi tôi kiếm được trước đó đã mất gần hết. Khoản tiền của các bạn cũng gần như mất sạch. Giờ tôi phải 'cày' lại để cố gắng trả gốc cho bạn", Tiến chia sẻ.

'Thị trường lên, ai cũng là chuyên gia'

Việc ủy thác đầu tư không phải là xa lạ. Trên thị trường, có rất nhiều quỹ đầu tư hợp pháp, với nhiều điều khoản ràng buộc bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, những loại hình ủy thác đầu tư không có căn cứ pháp lý ngày càng phát triển.

"Việc ủy thác đầu tư đã phát triển ở Việt Nam và nhiều nước khác, nhưng thường thông qua những tổ chức đầu tư có uy tín thành lập và quản lý quỹ, người quản lý tài sản có chứng chỉ hành nghề. Qua thời gian phát triển, cũng có những người tự lập công ty tài chính và 'quỹ' tự phát. Đây là mảng màu xám xưa nay pháp luật không thể làm gì, vì đây là thỏa thuận do hai bên đồng ý với nhau", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao Đại học Bristol (Anh) chia sẻ với Zing.

{keywords}
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, việc "chiến thắng" khi thị trường đang lên không đủ để đánh giá khả năng của nhà đầu tư. Ảnh: Coin Telegraph.

Để tạo niềm tin, những "chuyên gia" tự phát này thường khoe ảnh vào lệnh, những lời khuyên tài chính và chụp tài khoản với số dư lớn, lịch sử "toàn thắng". Tuy nhiên, dưới quan điểm của một nhà quản lý và đầu tư chứng khoán lâu năm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng không thể đánh giá kết quả đầu tư chỉ dựa vào lúc thị trường đang đi lên.

"Khi thị trường đang lên thì sẽ xuất hiện rất nhiều người tự nhận mình là chuyên gia. Họ rủ rê người khác vào nhóm thu tiền để 'phím' lệnh, hoặc nhận tiền của người khác để đầu tư. Thậm chí, có những người tự tin rằng mình cho lệnh không bao giờ lỗ. Thực sự là hiệu quả và khả năng đầu tư chỉ có thể đánh giá qua những giai đoạn khó khăn, biến động", ông Khánh nói với Zing.

Theo ông Khánh, nhiều "chuyên gia" rởm sẵn sàng đưa hợp đồng cho nhà đầu tư để nhận tiền mua forex hoặc tiền mã hóa. Đó là do hai loại hình đầu tư này chưa được pháp luật công nhận, vì thế hợp đồng cũng không có giá trị. Trong khi đó, ủy thác giao dịch chứng khoán lại thường diễn ra bằng thỏa thuận miệng, bởi pháp luật đã công nhận đầu tư chứng khoán.

"Đừng thấy hợp đồng mà tưởng là yên tâm. Nhiều khi cái tên công ty trên hợp đồng không có chức năng giao dịch, vì luật pháp đâu có cho phép", ông Khánh nhận xét.

Ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng do không được pháp luật bảo vệ, rủi ro rất lớn nằm ở phía người bỏ tiền.

"Rủi ro cho bên ủy thác là rất lớn do bất cân xứng thông tin. Người ủy thác biết rất ít thông tin về năng lực thật sự của người nhận ủy thác, ngoại trừ một số người khoe lợi nhuận, thổi phồng lợi nhuận. Một chiêu trò mà nhiều người có thể sử dụng là mở nhiều tài khoản, sử dụng nhiều chiến thuật đánh cược ngược nhau và chỉ khoe những tài khoản kiếm được tiền", ông Tuấn nhận xét.

Do vậy, khả năng người ủy thác đòi lại tiền khi phát hiện bị lừa là rất thấp. Nhiều trường hợp khi bị phát hiện thì không còn tiền vì đã lỗ hết hoặc tiêu vào việc khác. Do đó, ông Tuấn cho rằng cần phải đặt nặng tiêu chí độ minh bạch của người nhận "chơi hộ". Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần xác định ủy thác trong giao dịch cá nhân thì luôn có rủi ro lớn.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh khuyên người chơi trước hết nên bổ sung kiến thức căn bản cho vững để hiểu được điều gì không hợp lý trên thị trường. Ngoài ra, ông Khánh cũng cho rằng nếu nhà đầu tư kiểm soát được lòng tham của mình tốt thì sẽ tránh được nhiều rủi ro.

(Theo Zing)

Mang tiền thật đánh cược vào giao dịch ảo

Mang tiền thật đánh cược vào giao dịch ảo

Trong khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh, số lượng người mất việc cũng vì thế mà tăng cao.