Lãi suất “khủng khiếp” và hệ lụy

Trên mọi tuyến đường hay các con hẻm tại TPHCM đều dễ dàng bắt gặp những tờ giấy quảng cáo của hoạt động tín dụng đen. Những quảng cáo như: cho vay tiền nhanh, alo là có tiền, tư vấn tài chính vay tiền nhanh, cho vay trả góp…dán đầy trên các bức tường, cột điện, trạm xe buýt, cửa nhà dân.

{keywords}
Tờ rơi quảng cáo cho vay được dán khắp mọi nơi tại TPHCM, đây chính là "cái bẫy" của các đối tượng cho vay nặng lãi đã giăng. Ảnh: Đại Việt

Trong vai người muốn vay tiền, chúng tôi liên hệ với Dũng, một người chuyên cho vay tiền ở khu vực trung tâm TPHCM. Dũng cho biết, muốn vay tiền thì cầm chứng minh nhân dân và hộ khẩu đến gặp Dũng. Các thủ tục cho vay sẽ được công ty Dũng lo hết.

Chúng tôi đề cập chuyện muốn vay 500 triệu đồng, Dũng trả lời “vay 500 triệu thì tiền lãi mỗi ngày 20 triệu đồng, vay ở đâu cũng thế”.

Từ một tờ rơi quảng cáo dán trên tường, chúng tôi tiếp tục liên hệ đến số điện thoại 0938.374xxx. Một người đàn ông nói giọng Bắc bốc máy. Sau khi hỏi nơi sinh sống, nghề nghiệp, người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi tôi muốn vay bao nhiêu. Tôi nói rằng muốn vay 100 triệu đồng. Người đàn ông khẳng định chắc nịch “tiền lãi là 4 triệu đồng/ngày, hồ sơ chỉ cần chứng minh nhân dân và hộ khẩu”.

Như vậy, lãi suất các điểm cho vay đưa ra là 4%/ngày, tức 120%/tháng và hơn 1.400%/năm, gấp 70 lần lãi suất tối đa theo quy định (20%/năm).

Nếu vay 500 triệu đồng thì tiền lãi mỗi tháng mà người dân phải trả là 600 triệu đồng. Đây là mức lãi suất “khủng khiếp”. Mức lãi suất “trên trời” này đã và đang mang đến nhiều hệ lụy cho xã hội.

Anh Nguyễn Văn Hải (ngụ quận 5) chia sẻ, trước đây anh đã từng là nạn nhân của tín dụng đen. Năm 2018, mẹ anh bị bệnh nặng nhưng gia đình không đủ tiền để làm phẫu thuật. Hết cách, anh đi vay “nóng” 50 triệu đồng để lo cho mẹ. Thế nhưng, mỗi tuần anh phải đóng tiền lãi lên đến hơn 10 triệu đồng. Mỗi khi đóng chậm là 4 – 5 thanh niên đến nhà gõ cửa, gây áp lực lên cả gia đình.

“Tôi đóng được đúng 3 tuần là chịu hết nổi, tôi phải nhờ gia đình bán gấp miếng đất ở quê để trả tiền dứt điểm cho tụi nó. Tiền lãi đã nặng rồi mà bọn nó còn khủng bố tinh thần ghê lắm, cả nhà tôi sợ đến già”, anh Hải nói.

Cũng như gia đình anh Hải, gia đình chị Lê Thị Ngọc, ngụ đường Trần Văn Đang (quận 3) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc về tín dụng đen.

“Tôi mua nhà ở đây được 2 năm, thời mới dọn về ở thì ngày nào cũng có vài thanh niên xăm trổ, bặm trợn đến nhà gõ cửa. Họ đến tìm chủ cũ của căn nhà để đòi tiền nợ nhưng người đó đã không còn ở đây. Dù tôi đã nói rõ tình hình cho họ hiểu nhưng họ vẫn quấy rầy gia đình tôi cả tháng trời”, chị Ngọc nói.

{keywords}
Tín dụng đen "hoành hành" ở khắp mọi nơi. Người dân cần thật tỉnh táo. Ảnh: Đại Việt

Nhiều người không liên quan đến tín dụng đen cũng bị các đối tượng xấu làm phiền. Điển hình như anh G.V.Đồng (ngụ TPHCM).

Anh Đồng cho biết, anh chưa bao giờ vay mượn tiền bên ngoài. Thế nhưng, người bạn của anh có vay tiền mua hàng trả góp và trả nợ không đúng hạn. Một số đối tượng đã ghép hình ảnh của anh Đồng, bạn anh Đồng và nhiều người khác rồi tung lên mạng xã hội với nội dung “truy tìm đối tượng lừa đảo”.

“Chúng bôi nhọ tôi, rêu rao là tôi nằm trong đường dây lừa đảo có tổ chức, mượn tiền không trả. Nếu ai gặp chúng tôi thì báo cho công an gần nhất để tiến hành bắt giữ khẩn cấp”, anh Đồng ngao ngán.

Cũng theo anh Đồng, anh cũng đã trình báo sự việc với công an nhưng hầu như anh không được lực lượng chức năng hỗ trợ nhiều.

“Buổi sáng tôi lên làm việc với công an, buổi chiều tôi lại lên làm việc tiếp nhưng công an nói cái này trên mạng không quản lý. Họ nói đây là riêng tư, công an không được đụng tới”, anh Đồng bức xúc.

Tổng lực “tấn công” tín dụng đen

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Thống đốc giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".

Theo NHNN, đơn này sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu.

Cũng theo NHNN, lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

{keywords}
Hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay đang có diễn biến phức tạp bởi nhiều tổ chức tài chính đã bán nợ cho các công ty đòi nợ khiến người vay gặp nhiều phiền toái, thậm chí là bị "khủng bố" tinh thần.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, tín dụng đen là một trong số những nguyên nhân nảy sinh tội phạm. Về bản chất đây là quan hệ dân sự về kinh tế. Tuy nhiên, khi vượt quá giới hạn sẽ trở thành các vấn đề hình sự.

Chính vì ở giữa ranh giới dân sự hành chính và hình sự nên các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, mục tiêu của ngành công an là duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ với hoạt động tội phạm tín dụng đen cũng như không chủ quan, chùng xuống khi có kết quả ban đầu.

Bộ trưởng cho rằng, trên thực tế, nhiều người đi vay cũng có những hoạt động không lành mạnh như cờ bạc, buôn lậu, lừa đảo… và cần tiền nhanh. Trong khi đó, người cho vay lập ra các quỹ ‘tín dụng đen’ và đứng đằng sau thường là đối tượng hình sự hoặc ‘nuôi chăn dắt’ các đối tượng hình sự với mục đích đe dọa, đòi nợ thuê và gần như là ‘cướp ngày’ của người vay.

Hiện tại, tội phạm tín dụng đen đã bị kiềm chế phần nào nhưng tình hình vẫn rất phức tạp khi loại tội phạm này len lỏi về các miền quê, gây nhiều lo lắng trong xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thừa nhận, hoạt động bảo kê tội phạm hiện đang diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an là xử lý rất nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật, không có “vùng cấm”, kiên quyết xử lý nhằm củng cố lòng tin của nhân dân vào cán bộ công an.

(Theo Dân trí)