Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín VietBank (VBB) vừa chính thức bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc VietBank kể từ 8/3. Trong cùng ngày VietBank cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Sỹ giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VietBank.

Trước đó, hôm 23/2, Vietbank cũng đã bất ngờ thông báo ông Dương Ngọc Hòa rút khỏi vị trí chủ tịch, thay vào đó là ông Bùi Xuân Khu, người từng đảm nhiệm chức Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương. Ông Bùi Xuân Khu trước đó đã là phó chủ tịch HĐQT của VietBank kiêm thành viên thường trực HĐQT của ngân hàng này. 

Đầu tháng 2/2021, KienLongBank bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 1/2/2021. Năm 2021, KienLongBank đặt mục tiêu đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB của Sacombank và đưa tổng nợ xấu của KienLongBank về mức dưới 2% tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng...

Trên thực tế, việc các ngân hàng "thay ghế" nhân sự cao cấp trước mùa đại hội cổ đông là điều thường thấy như thường lệ trong vài năm gần đây khi hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), đổi chủ và thay đổi chiến lược diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, trong năm nay, làn sóng này mạnh mẽ hơn và diễn ra từ cuối năm trước và đầu năm nay.

{keywords}
 

Ngay đầu năm, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã quyết định bổ nhiệm ông Kalyanaraman Sivaramakrishnan giữ vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của ngân hàng từ 10/1.

Cuối năm 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã bổ nhiệm quyền tổng giám đốc người nước ngoài là ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen) thay cho Hoàng Minh Hoàn. Ông Hoàn giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực. Việc bổ nhiệm này diễn ra trong bối cảnh SCB đang triển khai quyết liệt "Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2030" với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company.

Trong ĐHCĐ ngày 30/3 tới, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank nhiều khả năng sẽ đề cập tới câu chuyện sáp nhập, vốn đã bị trì hoãn hơn 5 năm qua với 1 lần “lỡ duyên” VietinBank và gặp trục trặc với HDBank.

Gần đây, nhiều nhân vật cao cấp từ Ngân hàng MSB sang nắm các chức vụ cao cấp tại PGBank. Ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank. Trước đó, ông Hoàng Xuân Hiệp, người từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ tại PGBank.

MSB và PGBank vốn đã có quan hệ gắn bó từ trước đó. Báo cáo thường niên năm 2018 của MSB ghi nhận, tại ngày 31/12/2018, MSB là cổ đông lớn của PGBank với tỷ lệ sở hữu 9,98%.

Tại KienLongBank (KLB), giới đầu tư thấy bóng dáng của Tập đoàn Sunshine Group. Hôm 30/1, KienLongBank bầu ông Lê Hồng Phương (cựu CEO BB Group) làm Chủ tịch HĐQT. Bà Trần Thị Thu Hằng (CEO Sunshine Group) được bầu là Phó Chủ tịch KLB...

Tại LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) lần đầu tiên được nhắc đến là đại diện cổ đông lớn của ngân hàng này. Trước đó, ông Thụy đã tham gia sự kiện chào sàn HOSE cổ phiếu LPB của LienVietPostBank và nằm trong hàng ngũ lãnh đạo thực hiện nghi lễ đánh cồng. 

Sự thay đổi mạnh mẽ của các ngân hàng cũng được ghi nhận ở nhóm ngân hàng ngoại. Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Lee Taekyung vào vị trí Tổng giám đốc (CEO).

Hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Standard Chartered cũng thay đổi nhân sự cấp cao tại Việt Nam khi bà Michele Wee lên làm CEO thay cho ông Nirukt Sapru. Tại HSBC Việt Nam, ông Tim Evans lên làm CEO, thay thế cho ông Phạm Hồng Hải.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm mạnh xuống ngưỡng 1.150 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không còn là trụ đỡ cho thị trường.

Theo YSVN, rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa trong phiên giao dịch mới. Điểm tiêu cực là tâm lý tỏ ra thận trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho nên thị trường chưa thể vượt được mức kháng cự 1.200 điểm của VN-Index. Đồng thời, YSVN cho rằng sự phân hóa có thể sẽ tiếp tục còn diễn ra trong những phiên kế tiếp. Ngoài ra, YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho nên chiến lược phù hợp ở giai đoạn hiện tại là nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN-Index giảm 0,42 điểm xuống 1.168,27 điểm; HNX-Index tăng 3,61 điểm lên 263,42 điểm. Upcom-Index tăng 0,86 điểm lên 79,42 điểm.

V. Hà