CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) vừa thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức năm 2018. Doanh nghiệp này dự kiến 19/8 sẽ chốt danh sách cổ đông để cổ tức bằng tiền tỷ lệ 240% (mỗi cổ phiếu được nhận 24.000 đồng). Tiền sẽ được thanh toán ngay trong tháng 8.

Masan Beverage của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang - đang sở hữu đến gần 99% vốn Vinacafé Biên Hòa. Như vậy, VCF sẽ trả khoảng 630 tỷ đồng cho Masan Beverage.

Masan Beverage lại là công ty con của Masan Consumer (MCH), trong khi MCH là công ty con của Công ty TNHH Masan ConsumerHoldings (nắm giữ 95%). Masan Group (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nắm 85,7% Công ty TNHH Masan ConsumerHoldings.

Theo báo cáo tài chính, Masan Consumer (MCH) đang cho công ty mẹ TNHH MTV MasanConsumer Holdings vay hơn 7,8 ngàn tỷ đồng với lãi suất khá thấp 6,5%/năm. Khoản vay kéo dài tới cuối 2022.

{keywords}
Các tỷ phú Việt đang đẩy mạnh đầu tư nắm giữ nền kinh tế.

Động thái di chuyển dòng tiền trong hệ thống Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này đang tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm có quy mô 10 tỷ USD.

Sau 4 năm, công ty phụ trách mảng dinh dưỡng động vật của Masan Group là Masan Nutri-Science (MNS) đã đổi tên thành Masan MeatLife (MML) và đang ồ ạt mở mạng lưới với rất nhiều cửa hàng nằm ngay trong các chợ truyền thống của Việt Nam. 

Động thái của Masan thể hiện một tham vọng rất lớn nhằm chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu.

Gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã giúp CP Việt Nam của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanon hưởng lợi lớn khi bán hàng thực phẩm như thịt lợn, gà,... qua các chuỗi cửa hàng như Vinmart, Big C,... Doanh thu của CP Việt Nam đạt 2 tỷ USD/năm.

Masan dự kiến doanh thu có thể lên tới ngàn tỷ ngay trong năm 2019 với 500 điểm bán tại miền Bắc và miền Nam. Tới 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50-70% doanh thu của công ty.

Như vậy, sau nhiều năm bán nước mắm, mỳ tôm,... theo kênh truyền thống, Masan của ông Quang đang đi theo một hướng mới mà Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã làm.

Nhiều khả năng khoản vốn khổng lồ được các công ty con làm ăn phát đạt rót ngược lên cho công ty mẹ là để thực hiện chiến lược mới, mở rộng chuỗi bán lẻ, mà ở đây là tập trung vào mặt hàng thực phẩm.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài đã có những thành công nổi bật trong lĩnh vực này với sự mở rộng không ngừng của các chuỗi cửa hàng Vinmart, Thế Giới Di Động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh.

Hồi tháng 6, Masan Consumer của tỷ phú nước mắm và tương ớt cũng đã thực hiện chia cổ tức tỷ lệ 45% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 4.500 đồng/cp.

Bên cạnh đó, dù thống lĩnh thị trường, nhưng doanh thu 2 mảng chính nước chấm và tương ớt của Masan vẫn vẫn tăng mạnh trong năm vừa qua lên hơn 7 ngàn tỷ đồng. Trong báo cáo thường niên 2017, Masan nắm giữ khoảng 70% thị phần mảng này.

Ông Nguyễn Đăng Quang được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 4 Việt Nam. Đại gia gốc Quảng Trị kín tiếng nhưng có các sản phẩm hiện diện hàng ngày trong mâm cơm gia đình Việt.

Hồi đầu tháng 3, Tạp chí Forbes 3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.

Theo Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang (1963) từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Techcombank. Ông Quang là tỷ phú tự thân, có 3 con.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang gián tiếp nắm giữ khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 22% cổ phần Masan, trị giá khoảng 22,6 ngàn tỷ đồng theo vốn hóa của Masan trên sàn.

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN)…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu blue-chips bị báo mạnh khiến VN-Index tụt giảm. Hàng loạt các mã lớn giảm giá gồm: Vingroup, Vinhomes, Vincom Retal, Vinamilk, VietJet, Vietcombank, GAS, Masan, Bảo Việt,...

Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục đưa ra dự báo thận trọng.

Theo BVSC, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm. Tuy nhiên, VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 968-972 điểm. Trong kịch bản tiêu cực vùng điểm trên tiếp tục bị xuyên thủng, thị trường sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 955-960 điểm trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại đối với thị trường chính là việc khối ngoại chuyển sang bán ròng trong những phiên gần đây.

Dòng tiền có thể chuyển sang các cổ phiếu cơ bản tốt, vốn hóa lớn và các nhóm ngành được hưởng lợi từ vĩ mô như thủy sản, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, VN-Index giảm 17,95 điểm lên 973,159 điểm; HNX-Index giảm 0,8 điểm xuống 102,91 điểm và Upcom-Index giảm 0,21 điểm xuống 58,37 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 5,9 ngàn tỷ đồng.

Sáng 6/8, áp tục bán tháo tiếp tục diễn ra và trên diện rộng do giới đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trugn Quốc tiếp tục leo. Mỹ vừa có thêm 1 động thái ra đòn khi cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trước đó, đồng NDT tụt giảm xuống dưới ngưỡng nhạy cảm 7 NDT đổi 1 USD.

Tới 10h40 sáng 6/8, VN-Index tụt giảm thêm hơn 10 điểm xuống còn 962 điểm. HNX-Index giảm thêm 1,25 điểm xuống 101,66 điểm. Thanh khoản đạt thấp với 90 triệu đơn vị, trị giá 1,8 ngàn tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp được cho là tiếp tục hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh như: NTC, SZL, SZC, BCM, SIP, GVR…

V. Hà