CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) và công ty con HAGL Agrico (HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố thêm một loạt thông tin liên quan tới việc mua lại trái phiếu trước hạn từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) để cơ cấu lại nợ.

Theo đó, HAGL mua lại 1.120 tỷ đồng hai loại trái phiếu đáo hạn vào cuối 2020 và 2021.

Công ty con HAGL Agrico cũng mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu cũng đáo hạn vào cuối 2 năm nói trên.

Trong tuần trước, HAG cũng đã chi hơn 625 tỷ đồng (gần 27 triệu USD) để mua lại trước hạn toàn bộ 594 triệu trái phiếu (tương đương 594 tỷ đồng) không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, phát hành ngày 25/8/2015 và đáo hạn 27/12/2021 từ VPBank.

Như vậy, tổng cộng, các công ty của Bầu Đức đã mua lại 3.500 trái phiếu trước hạn từ VPBank.

Mục đích của việc mua lại trái phiếu trước hạn, theo HAGL và HAGL Agrico, là nhằm mục đích cơ cấu nợ. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp của Bầu Đức không thông tin chi tiết nguồn tiền để thực hiện nghiệp vụ này.

Lãi suất trái phiếu VPBank được thả nổi, được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND đối với kỳ hạn 12 tháng trả lãi của kỳ của VPBank công biên độ 4%. Trong năm 2018, mức lãi suất này dao động từ 10,5-11,4%/năm. Gần đây, lãi suất huy động ngân hàng có xu hướng tăng và nó có thể tác động tới lãi suất cho vay.

{keywords}
Bầu Đức kỳ vọng trở thành 1 đế chế nông nghiệp ở khu vực.

Một phần trong các trái phiếu nói trên được phát hành để doanh nghiệp tác quy mô vốn và hợp tác kinh doanh dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại Gia Lai. Tuy nhiên, dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa hàng trăm ngàn con, ngồi Việt Nam bán khắp Đông Nam Á, của Bầu Đức gặp khó khăn và đổ bể.

Sau 5 đợt mua lại, doanh nghiệp của Bầu Đức không còn nợ trái phiếu đối với VPBank nhưng còn trái phiếu của BIDV, HDBank, CTCP Việt Golden Farm, VietCapitalBank. Sắp tới, khoảng một tháng nữa, trái phiếu chuyển đổi cho Thaco sẽ đáo hạn. Nếu thực hiện quyền chuyển đổi, HAGL Agrico cũng sẽ hết nợ trái phiếu từ Thaco. 

Cũng sau giao dịch, một loạt tài sản của Bầu Đức và doanh nghiệp của Bầu Đức sẽ được giải phóng như cổ phiếu của cá nhân Bầu Đức, tài sản hình thành từ khu phức hợp HAGL Myanmar, dự án dầu cọ hàng ngàn hecta,...

Tình hình tài chính của HAGL và HNG thời gian gần đây được cải thiện rõ rệt sau khi Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương trở thành đối tác chiến lược. Dù vậy, nợ phải trả vẫn khá cao, tại HAG tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Sau cú mua lại trái phiếu lần này, các con số sẽ sáng sủa hơn.

HAGL và HAGL Agrico có sự chuyển biến tích cực sau khi hợp tác với Thaco. Thaco cam kết đầu tư khoảng 1 tỷ USD để để tái cơ cấu nợ và phát triển tiếp các dự án của HAGL như HAGL Myanmar.

Gần đây, chiến lược của Bầu Đức đã có thay đổi, tập đoàn HAGL muốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực cây ăn trái, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp và trở thành một trong những đế chế nông nghiệp tại châu Á với sự giúp sức của Thaco.

Nếu không có gì thay đổi, HAGL cũng sẽ thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar. Đây cũng là một diễn biến dễ hiểu khi mà Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương đang bơm tiền vào để vực dậy đế chế nông nghiệp mà ông Đoàn Nguyên Đức đã xây dựng trong nhiều năm qua.

Theo một thỏa thuận được hai bên ký kết hồi tháng 8/2018, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico (doanh nghiệp quản lý mảng nông nghiệp của HAGL). Thaco cũng sẽ sở hữu 65% Công ty HAGL Myanmar.

Bầu Đức là người có tầm nhìn dài hạn, từng đầu tư sớm vào nhiễu lĩnh vực, từ gỗ, bất động sản, thủy điện, mía đường,... nhưng đã từ bỏ gần hết và giờ còn mảng cây trái.

Mặc dù khó khăn nhưng HAGL của Bầu Đức có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam và có những quyết lịch sử trong chặng đường 20 năm qua. Bầu Đức chính là người mời và trả lương cho HLV Park Hang Seo và đào tạo nên những cầu thủ hàng đầu như Công Phượng, Xuân Trường,...  góp phần vào kỳ tích của đội tuyển Việt Nam, từ vị trí Á quân U23 châu Á, top 4 Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục ảm đạm. Tuy nhiên, sự bứt phá của nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng và nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index tăng mạnh.

Những mà có diễn biến tích cực bao gồm: Vingroup, Vietinbank, Vietcombank, Eximbank, Hdbank, Techcombank, Vinhomes, Sabeco, VietJet,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn tích cực hơn trong các dự báo.

Theo CTCK Bảo Việt, Sau khi vượt qua vùng cản quan trọng 965-966 điểm, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 978-983 điểm trong một vài phiên kế tiếp, đồng thời mở ra cơ hội giúp thị trường hình thành xu hướng tăng ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/7, VN-Index tăng 12,65 điểm lên 973,04 điểm; HNX-Index tăng 0,66 điểm lên 103,34 điểm và Upcom-Index tăng 0,27 điểm lên 55,56 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

V. Minh