CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa có thông cáo báo chí gửi UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM về việc cổ đông Kustocem yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường, trong đó có nội dung yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương (chủ tịch CTD hiện tại) rời khỏi Coteccons, thay đổi HĐQT hiện tại, bầu HĐQT mới, đồng thời kiểm toán đặc biệt hoạt động kinh doanh của Coteccons từ 2017.

Theo đó, lãnh đạo Coteccons khẳng định các cáo buộc của Kusto là vô căn cứ và nhóm này muốn thâu tóm doanh nghiệp.

Lãnh đạo Coteccons khẳng định những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiệm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty (tâm lý làm việc của toàn bộ cán bộ nhân viên và các chủ đầu tư đang hợp tác với Coteccons).

Trên TTCK, giá cổ phiếu CTD giảm mạnh trong 2 phiên 2-3/6. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khiến cổ phiếu này đã giảm khoảng 70% trong vòng hơn 2 năm qua khiến vốn hóa doanh nghiệp bốc hơi cả chục ngàn tỷ đồng.

Trước đó, hôm 2/6, Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) bất ngờ gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho CTD vào ngày 13/07 sắp tới, với ngày đăng ký cuối cùng là 22/06.

Kustocem muốn tổ chức ĐHĐCĐ bất thường với các nội dung nêu trên, trong đó có cáo buộc về vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group.

Tuy nhiên, trong thông cáo vừa được người công bố thông tin và cũng là TGĐ Coteccons Nguyễn Sỹ Công đưa ra, lãnh đạo Coteccons cho rằng, Kusto đã và đang đi ngược lại cả những cam kết ban đầu trong việc phát triển doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Coteccons, Kusto yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong bối cảnh Coteccons đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 vào cuối tháng 6.

Theo lãnh đạo Coteccons, nhóm cổ đông Kusto, bao gồm Kusto và điển hình là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công, đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 nhằm bãi miễn tư cách Thành viên HĐQT của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và TGĐ Nguyễn Sỹ Công. Mục tiêu của hành động này theo phía lãnh đạo Coteccons khẳng định là nhằm hoàn tất thâu tóm Coteccons.

Phía HĐQT Coteccons đã họp và “bác bỏ yêu cầu vô lý trên cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này về những lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý”.

Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 23/04/2020, Kusto một lần nữa gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và tiếp tục đơn phương ra thông cáo báo chí vào ngày 02/06 vừa qua.

{keywords}
Mâu thuẫn tại Coteccons.

Coteccons có quy mô doanh thu trên 20 ngàn tỷ đồng/năm và một số dự án thực hiện có giá trị lên đến 7 ngàn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa rằng Công ty có hệ thống hàng ngàn nhà thầu phụ/nhà cung cấp, phía lãnh đạo Coteccons cho biết. “Ricons, Unicons hay bất cứ đơn vị nào khác cũng chỉ là một trong số rất nhiều nhà thầu phụ của Coteccons”.

Lãnh đạo Coteccons cho biết, Ricons là một doanh nghiệp tiềm năng, có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng. Đây là lý do Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần nhưng “nhóm Kusto đã nhiều lần lợi dụng ưu thế cổ đông lớn để phủ quyết”.

Bên cạnh đó, theo thông cáo, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Nguyễn Sỹ Công tại Ricons ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông tại Coteccons. Riêng ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu bất cứ cổ phiếu Ricons nào. Chính vì vậy, việc vu cáo Ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 4/6, chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 885 điểm. Cổ phiếu Coteccons tăng khá mạnh trở lại sau thông cáo của lãnh đạo doanh nghiệp này.

Theo BVSC, thị trường đang tiến vào vùng kháng cự 880-888 điểm. Tuy nhiên, đà tăng hiện tại của thị trường dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn tại vùng kháng cự này. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở vào trạng thái quá mua theo hệ thống đo lường của BVSC thì việc xuất hiện các phiên rung lắc mạnh nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện đan xen trong quá trình di chuyển của chỉ số trong vùng kháng cự. Dòng tiền giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đang ở phía trước.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/6, VN-Index tăng 6,37 điểm lên 881,17 điểm; HNX-Index tăng 2,85 điểm lên 116,49 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà