Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với lợi nhuận ròng gần 2,1 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ. 

Theo báo cáo, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý I của Vingroup đạt gần 23,3 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước.

Vingroup ghi nhận tổng tài sản duy trì ở mức cao, gần 420 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 3% lên trên 139,7 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu của Vingroup tăng mạnh nhờ vào việc bàn giao sản phẩm tại 3 đại dự án: Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park. Bên cạnh đó, dòng tiền đến với Vingroup còn từ hoạt động sản xuất và bán xe ô tô VinFast và điện thoại di động.

Doanh thu từ bán hàng tăng mạnh còn bù đắp được cho sự suy giảm doanh thu từ hoạt động tài chính. Bên cạnh đó, Vingroup chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong quý giảm tới 48% so với cùng kỳ năm trước do sự hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế.

Đáng chú ý, hoạt động bán ô tô, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart tăng ấn tượng với doanh thu tăng gần gấp rưỡi lên hơn 4,8 nghìn tỷ đồng do các sản phẩm được thị trường đón nhận. Ba dòng xe xăng được bán mạnh là: VinFast Fadil, Lux A và Lux SA.

Trước đó, 2 doanh nghiệp con của Vingroup là Vinhomes và Vincom Retail đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp đại dịch Covid-19. Giới đầu tư hồi hộp chờ một cú bứt phá từ dự án có một không hai tại Việt Nam ở vào một thời điểm bước ngoặt.

{keywords}
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

CTCP Vinhomes (VHM) ghi nhận doanh thu quý I/2021 tăng vọt gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 13 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận ở mức cao: 7,05 nghìn tỷ đồng. Vincom Retail (VRE) ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý I/2021 tăng 32% lên 2.226 tỷ đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có nhiều quyết định kinh doanh táo bạo, tầm vóc quốc tế. Gần đây, theo Bloomberg, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2-3 tỷ USD.

Bloomberg nhân định, mức định giá của VinFast ít nhất đạt 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Với mức định giá này, vốn hóa của VinFast sẽ vượt hãng xe danh tiếng Ferrari (vốn hóa 52 tỷ USD), Honda (51 tỷ USD), Ford (49 tỷ USD), Kia (30 tỷ)… và chỉ thua một số hãng nổi tiếng như Tesla, Toyota, Volkswagen, Mercedes Benz, GM, BMW…

Trong mảng điện thoại di động, Vingroup cũng đạt nhiều kết quả tích cực, với số lượng điện thoại Vsmart bán trong nước liên tục tăng cao trong cả năm qua cho dù tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam mới bước vào thị trường smartphone từ 2018. Hiện Vingroup đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Samsung Electronics và Oppo.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm mạnh về ngưỡng 1.220 điểm.

Theo BSC, quá trình đi ngang vẫn đang diễn ra và còn quá sớm khẳng định về khả năng bứt phá khi VN-Index chưa thể vượt qua cản 1.250 điểm. Nếu diễn biến dịch bệnh trở nên xấu hơn sau nghỉ lễ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong tuần mới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/4, chỉ số VN-Index tăng 9,84 điểm lên 1.239,39 điểm; HNX-Index giảm 0,32 điểm xuống 281,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,56 điểm lên 80,68 điểm. Thanh khoản đạt 21,5 nghìn tỷ đồng.

V. Hà