Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm thông qua phương án phát hành 2 triệu trái phiếu riêng lẻ, huy động 200 tỷ đồng để quy mô vốn hoạt động của công ty và/hoặc đầu tư vào các chương trình, dự án.

Trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm và có kì hạn tối đa 18 tháng, lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm và tiếp theo là 3,8%/năm + lãi suất tham chiếu.

Đây là lần thứ 2 trong vòng vài tháng qua, KBC của đại gia từng giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2007) Đặng Thành Tâm huy động vốn qua trái phiếu. Hồi cuối tháng 6, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng đã huy động 200 tỷ đồng qua hình thức này, với lãi suất 2 kỳ đầu tương tự.

{keywords}
KBC của ông Đặng Thành Tâm huy động thêm 200 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, sau một thời gian dài chìm sâu, đại gia giàu nhất một thời Đặng Thành Tâm đang đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực, ngược dòng với sự trì trệ và triển vọng u ám của nền kinh tế thế giới.

Trong khi xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam vẫn gia tăng. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được tổng thống Mỹ Donald Trump duy trì ở mức cao khiến một dòng vốn lớn tháo chạy khỏi Trung Quốc và sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. 

Trong quý 2/2019, KBC của ông Đặng Thành Tâm ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp thuận lợi. Công ty cũng đã có kế hoạch chia cổ tức sau nhiều lần trì hoãn.

Trong thời gian gần đây, cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm ở vùng cao nhất trong 2 năm qua, có lúc lên trên 16.000 đồng/cp và hiện ở mức 15.200 đồng/cp. Túi tiền của ông Đặng Thành Tâm theo đó cũng tăng lên thêm hàng trăm tỷ đồng.

Không chỉ KBC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của chị gái ông Đặng Thành Tâm - bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng đang hồi phục trở lại cho dù có những nghi ngại cho rằng doanh nghiệp này đang đẩy mạnh đầu tư sang Mỹ sau nhiều năm bà Hoàng Yến mất tích, không có mặt trong các đại hội đồng cổ đông của ITA.

Trong một văn bản công bố vài hôm vừa qua, bà Đặng Thị Hoàng Yến lại xuất hiện trong giấy tờ bổ nhiệm nhân sự của doanh nghiệp. Theo HOSE, hôm 1/10, bà Yến thay mặt HĐQT Tân Tạo kí Quyết định bổ nhiệm chức danh Kế toán trưởng mới cho công ty. 

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm trải qua nhiều biến cố.

Nhiều nhà đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi liệu bà Yến có trở về điều hành Tân Tạo hay không, sau nhiều năm vắng bóng và chỉ xuất hiện ở các văn bản điều hành. Từ 2013 tới nay bà Yến không tham dự ĐHCĐ và thay vào đó là ông Đặng Thành Tâm chủ trì.

Dù không có mặt trong các ĐHCĐ nhưng bà Yến tham gia tất cả các cuộc họp HĐQT ITA gần đây, có thể qua hình trực tuyến.

Về mảng bất động sản công nghiệp, nhiều dự báo tiếp tục cho rằng, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam vẫn đang diễn ra.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có KBC, ITA, VGC của ông Nguyễn Văn Tuấn, SZC, NTC, hay các doanh nghiệp cao su có có diện tích đất lớn, chuyển sang BĐS công nghiệp... đang hưởng lợi.

Giá thuê được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi nhu cầu về diện tích công nghiệp tăng cao. Không chỉ từ các chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, những nỗ lực hội nhập sâu rộng của Việt Nam với những hiệp định thương mại tự do như Việt Nam-EU (EVFTA), TPP… ngày cang mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp. 

{keywords}
Bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc... với những gương mặt điển hình như Samsung, LG,...

Thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 4/10, VN-Index tăng nhẹ nhưng vẫn chịu áp lực trước ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều mã blue-chips tăng điểm như: BIDV, Coteccons, Đạm Phú Mỹ, GAS, Vinamilk,...

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo MBS, trong 3 phiên trước, thị trường đã vật lộn với mốc tâm lý 1.000 điểm và không thành công, tuy vậy với phiên hồi phục rất đúng thời điểm nhờ sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu lớn, tâm lý nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể và kỳ vọng về kịch bản vượt cản lại được nhen nhóm, do vậy đây có thể là phiên hồi phục mang tính giải tỏa và “hơn cả một phiên tăng” của thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index tăng 1,26 điểm lên 992,45 điểm; HNX-Index giảm 0,05 điểm xuống 105,21 điểm và Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 57,15 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà