Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu 2019 đạt gần 131 ngàn tỷ đồng (5,6 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế đạt trên 15,6 ngàn tỷ đồng (670 triệu US) và lợi nhuận sau thuế đạt 7,7 ngàn tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3%, 12,9% và ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 24,4% so với năm trước gây bất ngờ với thị trường.

Đây là doanh nghiệp tiếp theo trong nhóm VN30, nhóm 30 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn HOSE, ghi nhận lợi nhuận khủng. Vingroup của ông Vượng tiếp tục thuộc nhóm ít ỏi các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ, bên cạnh những ngân hàng lớn tại Việt Nam.

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên cũng vừa công bố lãi ròng 2019 lên tới gần 10,6 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12,8 ngàn tỷ đồng và hiện đang nắm giữ hơn 15 ngàn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn cho dù trong năm 2019 đã chi gần 2 ngàn tỷ cho thương vụ mua 75% cổ phần của GTNFoods.

Như vậy, sau ông lớn TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mở màn năm mới với lợi nhuận công bố cho 2019 đạt trên 10,3 ngàn tỷ đồng, các ông lớn cuối cùng trên sàn chứng khoán cũng trình làng lợi nhuận khủng cho năm vừa qua.

Năm 2019 vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp đã lọt top lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng chiếm số lượng lớn với những cái tên như: Vietcombank (23,1 ngàn tỷ đồng), Techcombank (12,8 ngàn tỷ đồng), Vietinbank (11,8 ngàn tỷ đồng), BIDV (10,9 ngàn tỷ đồng), VPBank (10,3 ngàn tỷ đồng), MBBank (10 ngàn tỷ).

Nhóm ngoài ngân hàng cũng đã ghi nhận có PV GAS (15,1 ngàn tỷ đồng), ACV, Vinamilk, Vingroup và nhiều khả năng sẽ là VinHomes và Hòa Phát.

Trong khi các ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu và tận dụng sự phát triển của công nghệ thì Vinamilk của bà Mai Kiều Liên mở rộng thị trường sang Trung Quốc, còn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục phát triển các đại dự án bất động sản và tấn công vào các lĩnh vực hoàn toàn mới với tham vọng lớn như: ô tô và công nghệ.

{keywords}
Nhiều tập đoàn lớn dồn dập báo lãi khủng.

Theo báo cáo, các đại dự án của Vingroup như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park tiếp tục chiếm lĩnh phần lớn nguồn cung của thị trường Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan của tập đoàn này tiếp tục gia tăng ở mức cao. Mảng cho thuế mặt bằng bán lẻ Vincom Retail cũng khai trương nhiều dự án mới trong năm vừa qua với tỷ lệ lấp đầy cao.

Vingroup của ông Vượng cũng ghi nhận bước tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2019 ở mảng du lịch và vui chơi giải trí với thương hiệu Vinpearl. Riêng tỷ lệ tăng trưởng bán phòng tăng 51% so với 2018.

Bước đột phá nhất có lẽ ra cú ra mắt bán ô tô thương mại mang thương hiệu Vinfast và hàng công nghệ (TV, điện thoại) mang thương hiệu Vsmart trong quá trình trở thành tập đoàn với công nghệ và công nghiệp là trụ cột.

Với hàng chục ngàn sản phẩm ô tô và xe máy đã được mua và đặt mua và khoảng 600 ngàn điện thoại được bán (thị phần 7,5%), doanh thu của tập đoàn tăng mạnh và đây là tiền đề giúp Vingroup của ông Vượng mở rộng về quy mô và hướng tới những ngưỡng lợi nhuận cao mới.

Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến Ngân hàng Vietcombank trở thành đơn vị đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên TTCK ghi nhận lợi nhuận tỷ USD. Theo đó, trong năm 2019, Vietcombank đạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh toàn diện. Trong đó, nổi bật nhất là lợi nhuận đạt 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Với dư địa phát triển còn nhiều cùng với kế hoạch tăng vốn và cú hợp tác với đại gia bảo hiểm ngoại cuối 2019 vừa qua, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 khá ấn tượng, tăng 15% lên mức 26,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,15 tỷ USD).

Trên sàn chứng khoán, trong năm 2019, nhiều khả năng sẽ có thêm 1 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tỷ USD khác là CTCP Vinhomes (VHM), một công ty con của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh 2019 tốt nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ngay đầu năm mới. Nhiều cổ phiếu blue-chips đầu năm mới giảm do những bất ổn trên thế giới, từ các cuộc chiến thương mại cho đến dịch cúm Vũ Hán vừa bùng phát và nội tại của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 31/1 chỉ số VN-Index giảm nhẹ sau phiên lao dốc hôm qua. Giao dịch khá cao do nhiều người bán tháo nhưng cũng có nhiều người bắt đáy mua vào.

Nhiều tỷ phú mất tiền hàng ngàn tỷ như ông Phạm Nhật Vượng (cổ phiếu VIC, VHM, VRE), ông Trần Đình Long (HPG), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VJC, HDB), ông Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Nguyễn Đức Tài (MWG), ông Bùi Thành Nhơn (NVL), ông Hồ Hùng Anh (TCB)...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục chịu áp lực giảm điểm và có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 945-946 điểm một lần nữa trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, sau phiên bán tháo có phần hoảng loạn quá mức hôm qua, thị trường có thể sẽ giao dịch cân bằng hơn trong phiên cuối tuần. Chỉ số được kỳ vọng sẽ có phản ứng hồi phục kỹ thuật để thử thách vùng kháng cự 970-972 điểm trong những phiên tiếp theo.

Theo BVSC, các nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức an toàn 20-30% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.

Mặc dù thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, BVSC vẫn kỳ vọng vùng hỗ trợ 945-946 điểm sẽ vẫn là bệ đỡ đáng tin cậy cho thị trường trong ngắn hạn. Do đó, với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, có thể xem xét giải ngân mang tính do đáy tại vùng hỗ trợ này, tập trung vào các nhóm ngành như ngân hàng, thép, dệt may, bán lẻ,...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, VN-Index giảm 31,88 điểm xuống 959,58 điểm; HNX-Index giảm 2,17 điểm xuống 104,11 điểm. Upcom-Index giảm 0,49 điểm xuống 55,73 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,0 ngàn tỷ đồng.

V. Hà