Mở cửa phiên giao dịch 26/5, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco tiếp tục tăng trần phiên thứ 2, tăng thêm 5,7% lên 2.960 đồng/cp. Trong phiên hôm qua 25/5, cổ phiếu này cũng tăng trần, nhưng mức tăng là 6,9%.

Cổ phiếu KBC của Đô Thị Kinh Bắc (của ông Đặng Thành Tâm) tăng tiếp 4,7% sau khi đã tăng 6,6% trong phiên liền trước. SZC của Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) tăng 4,5% sau khi tăng trần 6,9% trong phiên trước. Cao su Phước Hòa (làm bất động sản công nghiệp) cũng tăng mạnh sau khi đã tăng trần phiên liền trước…

Các cổ phiếu BĐS công nghiệp, trong đó có Itaco của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến (nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13) tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản lên cao hiếm có khi mà căng thẳng Mỹ-Trung tăng vọt sau những tuyên bố trả đũa của Washington về đại dịch Covid-19 và những bất ổn mới tại Hong Kong.

Kỳ vọng vào một làn sóng dịch chuyển sản xuất còn lên cao hơn bao giờ hết sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt đón sóng đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, các nước đang cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh, nhưng có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Mặc dù Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Mexico… để đón làn sóng vốn ngoại mới và cần có những thay đổi lớn về chính sách, thể chế… nhưng kỳ vọng cho nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp vẫn lớn, nhất là các DN có quỹ đất lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp cao su.

{keywords}
Việt Nam vẫn là một lựa chọn tốt cho các NĐT nước ngoài.

Dự báo, dòng dịch chuyển vốn nếu xảy ra cũng cần một vài năm nhưng các thông tin mới cũng đủ làm nóng nhóm cổ phiếu này. Về trung và dại hạn, Việt Nam vẫn được dự báo là một thị trường tiềm năng và là điểm đến cho nhiều DN nước ngoài nhờ quy mô dân số lớn, vị trí đắc địa trong khu vực và thuận tiện về giao thông đường biển.

Theo một đánh giá mới của CTCK SSI, dòng vốn FDI có dấu hiệu khởi sắc với tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Theo SSI, dịch Covid-19 mở ra 1 bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phục thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là 1 trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia.

So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Thể chế chính trị của Việt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp). Đồng thời Việt Nam cũng tham gia rất nhiều các FTAs như EVFTA hay CPTPP mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây VND rất ổn định so sánh với biến động của IDR.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 26/5, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và dao động quanh ngưỡng 860 điểm. Các cổ phiếu blue-chips tiếp tục phân hóa. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính … vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tiến vào vùng kháng cự 860-880 điểm trong những phiên tới. Diễn biến thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market. Dòng tiền sẽ luân chuyển để tìm kiếm lợi nhuận ở các nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp, phân bón, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng…

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục mức 40-50% cổ phiếu. Xem xét bán giảm dần tỷ trọng danh mục về mức 20-30% khi thị trường tiến vào vùng kháng cự 860-880. Việc bán các vị thế ngắn hạn trong danh mục có thể thực hiện tại các phiên tăng điểm hưng phấn của thị trường tại vùng kháng cự 860-880 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/5, VN-Index tăng 6,3 điểm lên 859,04 điểm; HNX-Index tăng 2,1 điểm lên 108,15 điểm. Upcom-Index tăng 0,69 điểm lên 54,93 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng.

V. Hà