Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE) trong tuần qua, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bị khối ngoại bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp với tổng giá trị hơn 270 tỷ đồng.

Tính tất cả các cổ phiếu trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 274 tỷ đồng trong tuần qua. Đây là một con số thấp hơn khá nhiều so với con số bán ròng 555 tỷ đồng trong tuần trước nữa. Tổng cộng trong 4 tuần qua, khối ngoại rút khoảng 1.080 tỷ đồng.

Trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu Vietcombank giảm nhẹ 0,8% xuống còn 82.800 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn so với mức 90.000 đồng/cp hồi cuối tháng 5 nhưng vẫn ở vùng đỉnh cao lịch sử.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại có nguồn gốc quốc doanh và có quy mô lớn trên thị trường nhờ lịch sử hoạt động lâu dài. Vietcombank gần đây có hoạt động khá tốt và là ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trên ngưỡng 1 tỷ USD.

Cũng như nhiều ngân hàng khác, Vietcombank hưởng lợi từ hoạt động tín dụng, xử lý được gánh nặng nợ xấu và sự bùng nổ của nhiều dịch vụ mới. Gần đây, VCB hợp tác với công tuy bảo hiểm Hong Kong FWD với lợi ích có thể đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng trong 15 năm.

FWD đã trả cho Vietcombank khoản phí độc quyền hợp tác bancassurance, nhưng việc hạch toán vào kết quả kinh doanh sẽ theo thỏa thuận, dựa trên hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ được nhận thêm phần phí hoa hồng bán bảo hiểm hàng năm.

{keywords}
Các ngân hàng gần đây đẩy mạnh cạnh tranh ở mảng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Vietcombank đang có nguồn thu lớn từ phí dịch vụ. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang bị cạnh tranh bởi nhiều ngân hàng TMCP nhỏ có tốc độ tiến bộ rất nhanh. Thậm chí, nhiều dịch vụ của Vietcombank trước đây dẫn đầu nay lại được xem là chậm đổi mới. Mới đây, Vietcombank đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank sau nhiều ngân khác đã triển khai. Bước chuyển đổi này bước đầu cũng nhận được những phản ánh chưa thuận lợi từ khách hàng.

Để thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng cạnh tranh bằng mức phí dịch vụ thấp và thu hút được rất nhiều khách hàng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp như trường hợp Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh, VIB hay VPBank...

Từ năm 2018, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh tăng trưởng mạnh mẽ về mặt quy mô và chất lượng. Techcombank tăng vốn áp sát top 3 ông lớn Vietinbank, Vietcombank, BIDV.

Không chỉ mở rộng quy mô vốn điều lệ, Techcombank có những bước đi khá ấn tượng trong hoạt động huy động vốn để phục vụ cho hoạt động cho vay với nhóm đối tượng khách hàng tầm trung cao. Lượng tiền huy động của Techcombank tăng mạnh trong khoảng 4 năm gần đây nhờ hàng loạt những hàng loạt dịch vụ khá thiết thực đối với khách hàng như cú chơi lớn 0 đồng phí dịch vụ ngân hàng…

Techcombank cũng là ngân hàng hút một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Hồi tháng 4/2018, Techcombank đã bán hơn 164 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, thu về 21.000 tỷ (hơn 920 triệu USD). Với số tiền lợi nhuận tích lũy và thặng dư lớn, ngay sau khi lên sàn, Techcombank chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% tăng vốn từ hơn 11,6 ngàn tỷ đồng lên gần 35 ngàn tỷ đồng, trở thành 1 trong 3 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, chỉ thua Vietcombank một chút ít.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 20/7, chỉ số VN-Index quanh ngưỡng 870 điểm.

Theo BSC, kết quả kinh doanh quý II đang khiến cho thị trường phân hóa rõ rệt dù vậy dòng tiền yếu và khối ngoại bán ròng kéo dài trạng thái giao dịch giằng co trong ngắn hạn. VN-Index do vậy dù vượt 870 điểm (đường neckline của mô hình 2 đáy mini) nhưng chưa thể breakout khỏi vùng giá này để hoàn thành mô hình với giá mục mục tiêu tại 900 điểm. Diễn biến giằng co quanh 870 điểm, phân hóa các cổ phiếu cùng kết quả kinh doanh quý II nhiều khả năng tiếp tục diễn ra trong tuần tới trước khi hình thành hướng vận động rõ ràng hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/7, VN-Index giảm 4,81 điểm xuống 872,02 điểm; HNX-Index tăng 0,97% điểm lên 116,71 điểm. Upcom-Index tăng 0,78% điểm lên 57,47 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,5 ngàn tỷ đồng.

V. Hà