CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với lợi nhuận tụt giảm hơn 80%, doanh thu cũng giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Sasco là một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay: hàng miễn thuế; bán lẻ và dịch vụ phòng VIP, ẩm thực, nhà hàng khách sạn... tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất Việt Nam.

Công ty này chuyển sang mô hình CTCP từ năm 2015 và đón nhận nhóm cổ đông tư nhân lớn là các DN của ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (1951), chủ tịch Sasco, được biết đến là một doanh nhân thành đạt, sở hữu hàng loạt doanh nghiệp thời trang nổi tiếng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Âu Châu, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh. Bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Hạnh Nguyễn) cũng là thành viên HĐQT Sasco.

IPP, Âu Châu và Duy Anh là các cổ đông lớn đang nắm giữ 24,98%, 15,39% và 4,93% cổ phần tại Sasco.

Trong khoảng 6 tháng qua, cổ phiếu Sasco đã giảm khoảng 31%, từ mức khoảng 38.000 đồng/cp xuống mức 26.300 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của doanh nghiệp đã bốc hơi khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng.

Ông lớn trong ngành dịch vụ phi hàng không giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không lao đao, hầu hết các đường bay trong và ngoài nước bị đóng cửa khiến lượng khách tụt giảm 95-97%.

{keywords}
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Sasco.

Không chỉ Sasco, các doanh nghiệp khác trong ngành cũng đã có kết quả kinh doanh với những ảnh hưởng rõ ràng nhất.

Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 chỉ đạt 1 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ năm ngoái do các hãng hàng không cắt, hủy chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài.

Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam Vietnam Airlines vừa có dự định rút vốn đầu tư 49% tại hãng hàng không Angkor Air của Campuchia trong bối cảnh ngành kinh doanh này chứng kiến gian đoạn khó khăn lịch sử với cả vạn người thất nghiệp, tỷ USD bốc hơi.

Hãng đã phải cho một nửa lượng lượng lao động, tương đương 10.000 nhân viên nghỉ việc. HVN ước lỗ 2,4 ngàn tỷ đồng trong quý 1 và có thể lỗ gần 20.000 tỷ trong 2020 nếu dịch kéo dài đến quý 4. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020 và cần được hỗ trợ ngay từ tháng 4/2020.

Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi mà phần lớn các máy bay phải đắp chiếu không hoạt động.

Mặc dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không được dự báo sẽ hồi phục nhanh và mạnh sau khi dịch được khống chế.

Ngay giữa đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines (HVN) vẫn đang đẩy nhanh kế hoạch mua thêm 50 máy bay. Đại diện HVN cho rằng, việc mua thêm máy bay sẽ là cơ hội khi hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đang huỷ đơn hàng.

Còn với Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết gần đây chia sẻ nhắm tới việc giữ vững mục tiêu thị phần 30% với đội bay 40 chiếc năm 2020

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 20/4, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm nhẹ. Chỉ số này hiện đang hướng tới ngưỡng 800 điểm.

Phần lớn các cổ phiếu blue-chips quay tăng điểm. Nhóm cổ phiếu Vingroup diễn biến trái chiều. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí chùng xuống. Cổ phiếu Vinamilk tăng điểm sau thông tin xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc giữa đại dịch. Một số cổ phiếu bán lẻ tăng điểm mạnh.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index hướng đến thử thách vùng kháng cự 800-820 điểm. Dòng cổ phiếu dẫn dắt và vốn hóa lớn đang có dấu hiệu chững lại ở các vùng giá cao sau một nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Dòng tiền đang có sự dịch chuyển đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều thuộc nhóm midcap và penny. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại.

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý II của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì nắm giữ vị thế hiện có và thực hiện bán chốt lời tại vùng 800- 820 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/4, VN-Index tăng 8,9 điểm lên 789,6 điểm; HNX-Index tăng 1,72 điểm lên 110,46 điểm. Upcom-Index tăng 0,62 điểm lên 52,16 điểm. Thanh khoản đạt 6,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà