Đầu giờ sáng 18/3, cổ phiếu HPG tiếp tục giảm 400 đồng xuống 31.500 đồng/cp. Trong phiên cuối tuần trước, HPG đã giảm 2.300 đồng (tương đương giảm 6,7%).

Cổ phiếu HPG của Trần Đình Long giảm mạnh ngay sau khi Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kế hoạch 2019 với những con số rất bất ngờ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 22% từ mức kỷ lục 8,6 ngàn tỷ trong năm 2018 xuống còn 6,7 ngàn tỷ trong năm 2019. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Sở dĩ Hòa Phát của ông Trần Đình Long đặt kế hoạch thấp bởi lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại giá thép bán ra sẽ thấp hơn trong bối cảnh giá thép thế giới được dự báo xuống thấp. Trung Quốc đã giảm thuế để thúc đấy xuất khẩu thép.

Trong khi giá bán ra có thể giảm thì giá quặng sắt tăng mạnh đầu năm 2019, từ quanh mức 65 USD/tấn có lúc lên trên 90 USD.

Nhưng một yếu tố đáng lưu ý hơn là thị trường bất động sản có dấu hiệu chùng lại. Lượng hàng hóa đổ dồn trong các năm trước đó có dấu hiệu lên đỉnh điểm trong 2018 và 2019 và các doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu giảm phát triển các dự án mới.

Dấu hiệu lợi  nhuận giảm đã có từ cuối năm trước khi lần đầu tiên trong 5 quý lợi nhuận của Hòa Phát xuống dưới ngưỡng 2 ngàn tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2018. Trong quý IV vừa qua, Hòa Phát chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 1,76 ngàn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2018, Hòa Phát của ông Trần Đình Long dồn lực cho đại dự án mới: thép Hòa Phát Dung Quất. Dự án này ngốn một lượng tiền khổng lồ. Nguồn tiền cho dự án đến từ: phát hành thêm cổ phiếu, lợi  nhuận tích lũy, vay… Chi phí vận hành, bán hàng, khấu hao… ban đầu sẽ rất lớn. Đây là yếu tố được dự báo sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. 

{keywords}
Ông Trần Đình Long mất danh hiệu tỷ phú USD.

Trước đó, trong năm 2018, cổ phiếu HPG cũng đã giảm rất mạnh do ảnh hưởng từ các dự báo về triển vọng lợi nhuận chậm lại và áp lực bán từ cổ đông ngoại PENM Partners.

Quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.

Trên thực tế, lượng thép xuất khẩu của HPG vào Mỹ không lớn. Nhưng việc ông Trump áp thuế cao cũng đã khép lại cơ hội mở rộng xuất khẩu và đảm bảo triển vọng tăng trưởng cao hơn của Tập đoàn Hòa Phát.

Nó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch dài hạn của Hòa Phát. Trong thời gian tới, năng lực sản xuất lớn của Hòa Phát là rất lớn. HPG cũng đã đặt kế hoạch hướng tới doanh thu 100 ngàn tỷ (gấp 3 lần 2016) nhờ cú huých từ dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi.

Tính từ đỉnh cao hơn 44.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) ghi nhận cách đây 1 năm, cổ phiếu HPG đã giảm gần 29% xuống còn 31.500 đồng/cp (tới sáng 18/3). Vốn hóa của Hòa Phát cũng giảm mạnh từ mức 94 ngàn tỷ (4 tỷ USD) xuống còn 67,5 ngàn tỷ (2,9 tỷ USD).

Ông Trần Đình Long cũng chứng kiến túi tiền bốc hơi 6,8 ngàn tỷ đồng từ mức 23,6 ngàn tỷ (1 tỷ USD) xuống còn 16,8 ngàn tỷ (720 triệu USD) như hiện tại. Ông Long chính thức bị rớt khỏi danh sách các tỷ phú USD thế giới của Forbes.

Theo đánh giá mới nhất của Forbes, tính đến ngày 15/3/2019, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam của Forbes chỉ có: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Hãng hàng không VietJet, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco Group và 2 tỷ phú mới: Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Masan).

Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn nhưng cơ hội một lần nữa ghi danh tỷ phú USD của ông Trần Đình Long vẫn khá lớn. Hòa Phát của ông Long đang ở giai đoạn đầu của một trận đánh lịch sử, lớn chưa từng có.

2018 cũng là một năm bước ngoặt có thể giúp vị trí số 1 trong ngành thép vững chắc hơn bao giờ hết. Trong năm 2017, HPG công bố dự án thép khổng lồ, trị giá 52 ngàn tỷ đồng tại Dung Quất và lần đầu bán cổ phiếu cho cổ đông để huy động vốn kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn. Theo thông tin khi đó, để triển khai giai đoạn 1 của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, HPG đã có 10 ngàn tỷ đồng vốn tự có và vay ngân hàng 10 ngàn tỷ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index vững trên ngưỡng 1.000 điểm. Các cổ phiếu có diễn biến tích cực như: GAS, Vietinbank, Eximbank, BIDV, ACB, HDBank.  Cổ phiếu YEG của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn phiên thứ 10 liên tiếp sau sự cố YouTube.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, một số cổ phiếu bluechips chịu áp lực bán giảm tỷ trọng trong danh mục của các quỹ ETFs có thể sẽ hồi phục tăng điểm trở lại. Ngoài nhóm ngân hàng, dòng tiền dự kiến sẽ dịch chuyển sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu dầu khí và bất động sản trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì trạng thái nắm giữ với tỷ trọng danh mục tổng ở mức 50% cổ phiếu. Các hoạt động giải ngân mới nên được hạn chế hoặc cần lựa chọn cổ phiếu kỹ lưỡng và thực hiện giải ngân trong các phiên điều chỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/3, VN-Index giảm 4,32 điểm xuống 1004,12 điểm; HNX-Index tăng 0,43 điểm lên 110,44 điểm. Upcom-Index tăng 0,17 điểm lên 57,26 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 310 triệu đơn vị, trị giá 7,2 ngàn tỷ đồng.

H. Tú