Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã mua vào gần 3,8 triệu cổ phiếu ACB từ ngày 6/3-11/3/2019.

Với mức giá dao động quanh 30.500 đồng/cp, ước tính ông Trần Hùng Huy có thể phải bỏ ra khoảng 115 tỷ đồng cho giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu tại ACB nói trên.

Mục đích của giao dịch là phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Sau giao dịch, ông Trần Hùng Huy nắm giữ tổng cộng 43,8 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với khoảng 3,51% vốn tại ngân hàng này.

Trước đó, ông Trần Mộng Hùng, người sáng lập, nguyên chủ tịch ACB cũng là cha ông Trần Hùng Huy và em trai ông Hùng Huy là Trần Minh Hoàng cũng thực hiện chuyển quyền sở hữu cho 2 công ty khác. Trong khi chị gái ông Trần Hùng Huy thoái vốn khỏi ACB. 

{keywords}
Ông Trần Hùng Huy mua cổ phiếu ACB.

Tổng cộng người nhà ông Trần Hùng Huy đã chuyển nhượng xong hơn 51 triệu cổ phiếu ACB, từ 3 cá nhân sang 3 tổ chức. Giao dịch thực hiện hôm 22/2.

Trên thực tế, cả 3 người nhà của ông Hùng Huy vẫn tiếp tục sở hữu gián tiếp ACB. Bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là các doanh nghiệp vừa được thành lập hồi tháng 11/2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.

Ông Trần Hùng Huy gia tăng tỷ lệ sở hữu trong bối cảnh Ngân hàng ACB đã thu hồi thành công hơn 1,6 ngàn tỷ đồng từ nhóm liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và chứng kiến năm 2018 lợi nhuận sau thuế tăng bùng nổ, tăng thêm khoảng 2,5 lần lên hơn 5,1 ngàn tỷ đồng.

Giao dịch cũng được thực hiện ở thời điểm trước thềm cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 với 2 nội dung quan trọng là bán cổ phiếu quỹ và chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông để tăng vốn điều. 

{keywords}
Lợi nhuận ACB 2018 tăng mạnh.

Theo báo cáo, ACB đang sở hữu 41,42 triệu cổ phiếu quỹ. Việc ACB bán cổ phiếu quỹ được xem là để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn CAR. Nhưng đây cũng là cơ hội để các cổ đông lớn gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình.

Trước đó, ACB đã có một thời gian dài gặp khó khăn sau vụ án Bầu Kiên. Nhưng 2 năm gần đây, 2017 và 2018, ACB ghi  nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất lớn cũng nhờ xử lý nợ xấu.

Sau khi thay bố giữ chức vụ chủ tịch ACB, ông Trần Hùng Huy đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề làm sạch bảng tổng kết tài sản. Những quy định gần đây, đặc biệt Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại các TCTD gắn với nợ xấugiai đoạn 2016-2020, đã giúp nhiều ngân hàng trong đó có ACB xử lý mạnh được nợ xấu.

Tới tháng 4/2018, ông Trần Hùng Huy tiếp tục được bầu làm làm Chủ tịch ACB. Tuy nhiên, bố ông Huy, cũng là người sáng lập ACB Trần Mộng Hùng cùng ông Trần Trọng Kiên không còn trong HĐQT. 

{keywords}
Ông Trần Hùng Huy.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index vững trên ngưỡng 1.000 điểm. Các cổ phiếu có diễn biến tích cực như: Vingroup, Vincom, Vietcombank, BIDV, Retail, FPT, CTD,...

Cổ phiếu YEG của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn phiên thứ 9 liên tiếp sau sự cố YouTube.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, sau phiên cơ cấu ngày mai, tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư sẽ được gỡ bỏ, thị trường xuất hiện thêm dòng tiền và thanh khoản chung có thể tạo mặt bằng mới cao hơn mặt bằng hiện tại. Sự sôi động của thị trường tăng lên, nhưng rủi ro điều chỉnh sẽ cao hơn khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự 1019-1025. BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục giữ các vị thế cổ phiếu hiện tại nhưng hạn chế mở thêm các vị thế mua mới. Khi chỉ số tiến sát vùng kháng cự, hoạt động bán ra chốt lời cần được thực hiện quyết liệt hơn.

Còn theo Rồng Việt, VN-Index giữ vững trên mức 1.000 điểm cho thấy lực mua đủ sức duy trì xu hướng. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cần chú trọng đến yếu tố cơ bản khi lựa chọn cổ phiếu để giải ngân.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index tăng 3,03 điểm lên 1008,44 điểm; HNX-Index tăng 0,2 điểm lên 110,02 điểm. Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 57,09 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 5,5 ngàn tỷ đồng.

H. Tú