Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2020. Theo đó, doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Ninh này bão lãi kỷ lục 340 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận của cả năm 2019. Doanh thu của Dabaco cũng tăng trưởng hơn 90% lên gần 3.250 tỷ đồng.

Dabaco ghi nhận lợi nhuận cao chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ khiến nhu cầu đối với các loại nhu yếu phẩm như thịt lợn, gà, trứng,... tăng mạnh và giá thịt lợn lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Giá cổ phiếu DBC tăng vọt từ mức 14.000 đồng/cp hôm 23/3 lên gần 21.000 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng 33%.

Trong vài quý gần đây, giá lợn tăng lên mức cao do dịch tả lợn châu Phi năm ngoái đã khiến đàn lợn trên cả nước sụt giảm, số lượng lợn chết nhiều và người dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở nhiều nơi bỏ đàn.

Các doanh nghiệp duy trì và phát triển đàn hưởng lợi lớn do giá thành sản xuất lợn hơi bình quân ở mức cao nhất chỉ xoay quanh 40.000 đồng/kg, trong khi các doanh nghiệp xuất chuồng với giá bình quân tới 80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc hơn 90.000 đồng/kg đã duy trì kéo dài suốt từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay.

{keywords}
Giá thịt lợn vẫn treo cao, từ 150-300 ngàn đồng/kg ở các siêu thị.

Vài tuần gần đây, các bộ đã có nhiều lần họp với doanh nghiệp để đưa giá lợn hơi xuống 75.000 đồng/kg nhưng trên thực tế giá lợn vẫn rất cao. Giá lợn thịt bán ngoài chợ dân sinh vẫn từ 150-180 ngàn đồng/kg, 160-220 ngàn đồng/kg đối với lợn trong siêu thị, đặc biệt có loại lên tới 300 ngàn đồng/kg.

Trong năm 2020, Dabaco đặt mục tiêu hơn 13,2 ngàn tỷ đồng doanh thu, 512 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Không chỉ Dabaco, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng vọt bất chấp đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.

Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) vừa báo cáo lợi nhuận quý 1/2020 tăng gấp 5 lần cùng kỳ lên 20,3 tỷ đồng nhờ có khoản thanh lý tài sản cố định bất thường và chi phí giá vốn hàng bán giảm mạnh.

Cao su Phước Hòa (PHR) ước lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng gần 160% lên hơn 172 tỷ đồng; doanh thu tăng 18,4% lên 335 tỷ đồng.

Doanh nghiệp “hết thời” ông lớn phân phối Công ty Cổ phần Thế Giới Số - Digiworld  (DGW) vừa ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1 tăng trưởng 80% lên 45 tỷ đồng. Doanh thu đạt gần 2,24 ngàn tỷ đồng, tăng 63 nhờ phát triển thị trường hiệu quả cho Xiaomi, với các sản phẩm là điện thoại và các sản phẩm tiêu dùng (Healthcare và FMCG).

Trong quý 1 khi mà dịch Covid-19 bùng phát, Digiworld ghi nhận 2 ngành hàng tăng trưởng mạnh là: máy tính xách tay và máy tính bảng.

Ông lớn ngành công nghệ: Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng 19% so với cùng kỳ lên 1.142 tỷ đồng và doanh thu tăng 16% lên gần 6,6 ngàn tỷ đồng. Trong năm 2020, FPT vẫn đạt kế hoạch doanh thu tăng hơn 17% lên gần 32,5 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 18% lên trên 5,5 ngàn tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHCĐ, doanh nghiệp chuyên sản xuất chăn ga gối đệm Everpia (EVE) lên kế hoạch lãi 2020 tăng 14% lên 82 tỷ đồng và đẩy mạnh bán hàng online cho dù ngành du lịch khách sạn đang ở vào một thời điểm khó khăn chưa từng có.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 10/4, chỉ số VN-Index tăng khoảng 10 điểm và nâng mức tăng tổng cộng trong gần 3 tuần qua lên khoảng 120 điểm. VN-Index hiện đang ở gần mức 770 điểm.

Đa số các cổ phiếu blue-chips tiếp tục tăng giá. Bộ 3 cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) đều tăng nhẹ. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng theo đà hồi phục của giá dầu. Nhóm tài chính ngân hàng và bán lẻ cũng tăng giá.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự thận trọng.

Theo BSC, thị trường đang đón nhận dòng tiền mới của nhà đầu tư trong nước khi đã giảm mạnh trong hơn 2 tháng qua. Điều này thể hiện qua việc số tài khoản mở mới của NĐT trong nước trong tháng 3 cao nhất nhất 2 năm và tăng gấp đôi so với trung bình 6 tháng. Thị trường trong nước và quốc đang hồi phục ngắn hạn nhờ nhiều chính sách hỗ trợ. Dù vậy nhà đầu tư sẽ thực tế hơn khi tăng trưởng GDP các nước chủ chốt và KQKD quý I các công ty niêm yết được công bố. Giao dịch giằng co và những nhịp rung lắc sẽ sớm quay trở lại, 780 – 800 điểm là vùng lưu ý với VN-Index trong tuần tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, VN-Index giảm 2,39 điểm xuống 757,94 điểm; HNX-Index tăng 1,1 điểm lên 106,18 điểm. Upcom-Index giảm 0,11 điểm xuống 50,63 điểm. Thanh khoản đạt 4,7 ngàn tỷ đồng.

V. Hà