Phiên giao dịch 10/9 ghi nhận một cú bứt phá hiếm có về giao dịch, với tổng số tiền chuyển nhượng lên tới hơn 12 nghìn tỷ đồng (hơn 500 triệu USD), trong đó một phần lớn đến từ giao dịch của cổ phiếu bất động sản Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Cụ thể, giao dịch cổ phiếu Vinhomes đạt khoảng 50% trên sàn chứng khoán nhờ hơn 4 triệu cổ phiếu giao dịch thông qua khớp lệnh và 72 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận, trị giá tổng cộng khoảng 6 nghìn tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận là do các nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Tuy nhiên, danh tính chưa được xác định. Khối lượng cổ phiếu này tương đương 2,2% cổ phần có quyền biểu quyết của Vinhomes.

Trước đó, cổ phiếu Vinhomes đã chứng kiến nhiều phiên giao dịch có giá trị lớn, với dòng tiền đều là từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Hôm 15/6, nhóm nhà đầu tư ngoại do quỹ Kohlberg Kravis Roberts - KKR của Mỹ dẫn đầu cùng Temasek (Singapore) thông qua quỹ Viking Asia Holdings II đã chi tổng cộng 15,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 650 triệu USD để mua vào hơn 201 triệu cổ phiếu VHM thông qua giao dịch thỏa thuận.

Hôm 20/8, Vinhomes lại ghi nhận giao dịch đột biến của khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài chi 1.700 tỷ đồng mua thỏa thuận gần 23 triệu đơn vị.

{keywords}
Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hút vốn ngoại.

Sau giao dịch hôm 10/9, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinhomes đã tăng lên 22,51%, từ mức 20,17%. Hiện Vinhomes có 3 cổ đông lớn là Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 70,9% cổ phần, quỹ đầu tư của chính phủ Singapore GIC giữ 5,9% cổ phần và quỹ Viking Asia Holdings II nắm 5,7% cổ phần.

Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục hút dòng tiền ngoại trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao, ngay cả trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, Vinhomes ghi nhận gần 22,3 nghìn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Vinhomes hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, với khoảng hơn 11 tỷ USD, chỉ xếp sau Ngân hàng Vietcombank và tập đoàn mẹ Vingroup.

Hồi đầu tháng 7, Vinhomes lấy ý kiến cổ đông đầu tư dự án 10 tỷ USD Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại Quảng Ninh với tổng diện tích hơn 4,1 nghìn hecta. Vinhomes cũng đưa người của KKR vào hội đồng quản trị.

Quỹ KKR đầu tư mạnh vào Việt Nam, trong đó tập trung vào các tập đoàn lớn như các doanh nghiệp của tỷ phú Vượng. Sau thỏa thuận với Vinhomes, quỹ KKR muốn tăng gấp 3 quy mô đầu tư tại Việt Nam. KKR đã bơm 1 tỷ USD vào Việt Nam và kỳ vọng sẽ tăng gấp 3 quy mô đầu tư trong 10 năm tới để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, ngay cả khi đối mặt với đại dịch Covid-19. Đây là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có khả năng tăng trưởng dương trong năm nay.

Vinhomes được xem như là “cỗ máy in tiền” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bên cạnh đó  đầu tư vào các lĩnh vực khác. Mảng công nghiệp ô tô và công nghệ của Vingroup của tỷ phú Vượng vẫn cần lượng tiền đầu tư lớn và trong giai đoạn đầu thua lỗ.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 11/9, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 885 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ biến động đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895-905 điểm trong một vài phiên tới. Về tổng thể, BVSC vẫn duy trì đánh giá tích cực về xu hướng thị trường trong thời gian tới. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường được xem là cần thiết để giảm bớt sức nóng cho các nhóm cổ phiếu, giúp thị trường tích lũy thêm xung lực và cũng là cơ hội để tham gia vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý. Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mô và có câu chuyện riêng sẽ tạo được sự quan tâm trở lại của dòng tiền trên thị trường khi đã điều chỉnh về các vùng giá hợp lý.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/9, VN-Index giảm 0,5 điểm xuống 888,82 điểm; HNX-Index giảm 0,11 điểm xuống 125,82 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 59,03 điểm. Thanh khoản đạt 12 nghìn tỷ đồng.

V. Hà