Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) vừa công bố thông tin về việc lấy kiến cổ đông nhằm thông qua phương án tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 theo hình thức trực tuyến vào ngày 27/4, thay vì ngày 24/4 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Như vậy, nếu được cổ đông thông qua, ĐHĐCĐ theo hình thức trực tuyến 2020 của Sacombank sẽ cho phép các cổ đông bỏ phiếu điện tử quyết định những kế hoạch, dự án của một ngân hàng có quy mô 453 ngàn tỷ đồng (hơn 19 tỷ USD).

Các cổ đông của Sacombank sẽ ngồi nhà bỏ phiếu cho những kế hoạch có trị giá rất lớn. Tính tới cuối 2019, STB có mức huy động vốn lên tới trên 400 ngàn tỷ đồng, cho vay cũng đạt gần 300 ngàn tỷ đồng.

Trước Sacombank, ông lớn trong ngành công nghệ FPT của ông Trương Gia Bình là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đầu tiên thực hiện ĐHCĐ với cả 2 hình thực trực tiếp và trực tuyến.

Các cổ đông FPT thực hiện quyền biểu quyết theo hình thức trực tiếp hoặc gửi phiếu đến cuộc họp (bỏ phiếu từ xa) theo quy định tại Quy trình về trình tự, thủ tục triệu tập, biểu quyết tại đại hội và các điều lệ công ty và quy định pháp luật có liên quan. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng để tự động xác thực và định danh cổ đông.

ĐHCĐ trực tuyến của FPT và sắp tới là của Sacombank có thể sẽ tạo ra một cách tiếp cận mới cho các ĐHCĐ sắp tới. Các doanh nghiệp không chờ dịch Covid-19 kết thúc để thống nhất kế hoạch kinh doanh cho cả năm mà vẫn đảm bảo an toàn.

Theo kế hoạch được thông qua, FPT sẽ vượt dịch Covid-19 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt là 17% và 18% so với năm 2019. Trong tháng trước, chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng đã tuyên bố đủ việc cho vạn người trong tập đoàn và thu lãi ngàn tỷ.

Trước đó, FPT được biết đến là một trong những ông lớn doanh nghiệp tại Việt Nam, ông lớn số 1 về công nghệ. Cách đây 10 năm, FPT còn giữ ngôi đầu trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, nhưng vài năm gần đây đã rớt khỏi danh sách và xuống tới vị trí thứ 20 theo báo cáo đánh giá của VNR500.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán cũng đã phải có nhiều điều chỉnh trong hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong buổi gặp mặt trực tuyến các NĐT hôm 9/4, đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết dịch bệnh bùng phát khiến doanh thu bán lẻ trang sức của doanh nghiệp này giảm 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh  nghiệp đã có sự chuyển hướng, tập trung vào vàng miếng và bán hàng online, live-stream, bán hàng giao tận nhà. Chiến lược này đã đem lại hiệu quả khá tốt trong các dịp 14/2 và 8/3 vừa qua.

Thế giới di dộng (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đồng thời tập trung mảng Bách hóa xanh để cứu vãn doanh thu.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 10/4, chỉ số VN-Index tăng điểm nhẹ sau một đợt hồi phục mạnh hơn 2 tuần qua (tổng cộng tăng hơn 100 điểm. VN-Index hiện đang ở mức trên 760 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự thận trọng.

Theo BVSC, Xu hướng hồi phục của VN-Index vẫn đang được duy trì với đích đến 780-820 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã đạt được mức hồi phục ấn tượng trong tuần và hiện đang tiệm cận các vùng kháng cự mạnh. Điều này có thể khiến chỉ số gặp áp lực chốt lời mạnh và điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/4, VN-Index tăng 12,31 điểm lên 760,33 điểm; HNX-Index tăng 1,15 điểm lên 105,08 điểm. Upcom-Index tăng 0,86 điểm lên 50,74 điểm. Thanh khoản đạt 5,1 ngàn tỷ đồng.

V. Hà