Ngày 4/4, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo quý I năm 2019.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 không, ông Lê Đình Quảng , Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam , cho biết mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%. Đầu năm 2019, đơn vị thực hiện công tác giám sát việc thực hiện quy định về lương tối thiểu. Qua kiểm tra đa số các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc.

Năm 2020 sẽ có thêm yếu tố mới. Cụ thể, Nghị quyết số 27 của Trung ương là đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

{keywords}
 

“Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động đã quy định vấn đề này. Nhưng do điều kiện kinh tế nên chúng ta chưa thể thực hiện được. Ngay cả mức tăng 5,3 % vừa qua, lương tối thiểu mới đáp ứng được khoảng 95% mức sống tối thiểu của người lao động”, ông Quảng cho biết.

Việc còn lại là phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu. Ông Quảng cho rằng, cách xác định nhu cầu sống tối thiểu từ trước tới nay vẫn dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.

Tuy nhiên, việc xác định luôn chịu sức ép từ quan điểm của nhiều cơ quan: Tổng cục Thống kê, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng LĐLĐ VN, Bộ LĐ-TB&XH. Do đó, việc tranh cãi luôn xảy ra giữa các đơn vị liên quan.

"Cùng một rổ hàng hoá như vậy, nhưng nếu lấy tỷ lệ lương thực là 48 %, phi lương thực là 52 % thì giá của nhu cầu sống tối thiểu khác. Bởi vậy, cần phải có một cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức. Qua đó nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết”, ông Quảng nhấn mạnh.

Dự kiến giữa năm 2019, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục nhóm họp để bàn về lương tối thiểu vùng.

(Theo Pháp luật TP HCM)