Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 ngày 2/1/2020. Thủ tướng nhấn mạnh: “Có người nói bây giờ thế giới biến động bất ổn quá thì phải để an toàn, phát triển thấp xuống, đó là tư duy không thể chấp nhận”. Thủ tướng bày tỏ, “ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới phát triển, đưa đất nước tiến lên”.

Kênh dẫn vốn quan trọng

Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước phải phát triển với tốc độ cao liên tục, “chứ không phải bàn chuyện đã phát triển 6-7% rồi thì dừng lại mà phải phát triển cao trong những thập niên tới thì đất nước mới thịnh vượng, hùng cường”. Muốn vậy thì các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng, hùng cường ấy bằng cách là phải tăng trưởng cao.

Với yêu cầu đó, Thủ tướng đặt ra bài toán cho ngành ngân hàng tính toán mức tăng trưởng tín dụng làm sao để là “kênh vốn quan trọng góp phần vào tăng trưởng”.

Thủ tướng đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỉ lệ nợ xấu giảm. Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với 2011. Trong năm qua, chúng ta bỏ ra 500 ngàn tỷ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn như vậy nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

{keywords}
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều trở ngại, cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường tài chính thế giới biến động.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp từ các hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... ảnh hưởng uy tín của nhiều ngân hàng. Việc quản lý các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, fintech, trí tuệ nhân tạo... đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NHNN.

Bước sang 2020, Thủ tướng yêu cầu, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, NHNN phải  tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”. Do đó, điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường là một yêu cầu. Hiện quy mô tín dụng đạt 8,2 triệu tỷ đồng.

Thủ tướng đặt câu hỏi: “Vậy thì năm nay tăng trưởng tín dụng đạt bao nhiêu phần trăm để bảo đảm kênh vốn quan trọng cho tăng trưởng?”.

{keywords}
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Bài toán lớn đượcThủ tướng nêu ra với ngành ngân hàng là phải thực hiện được mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần vào kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, kiểm soát được mặt bằng lãi suất ổn định và thời điểm phù hợp đã điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm được lãi suất cho vay; Cân đối hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, nguồn vốn đảm bảo để hỗ trợ cho nền kinh tế.

{keywords}
Thống đốc Lê Minh Hưng.

Một điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) là giữ ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức rất lớn 79 tỷ USD. Đây là tấm đệm lớn cho an ninh quốc gia, yếu tố then chốt, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN.

Báo cáo của NHNN cho thấy, từ 16/09/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19/11/2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.  Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Các tổ chức tín dụng (TCTD) có thị phần lớn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đến cuối 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp hạng 25/190 nền kinh tế, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).   

Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD tiếp tục giảm. Ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu . Tính trung bình từ 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

Năm, 2020, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng  phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Ngọc Sơn