“Kiểm toán Nhà nước (KTNN) không chỉ phát hiện sai phạm, canh me đúng sai mà quan trọng hơn là qua kiểm toán phát hiện lỗ hổng, bất hợp lý của pháp luật, của công tác quản lý để vá lại” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chiều 2/2, trong ngày đi làm đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

Khen ngợi những thành tích của KTNN trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nền tài chính công, tài sản công của Việt Nam rất lớn, việc giám sát, quản lý rất quan trọng. Thời gian qua, qua công tác kiểm toán, KTNN đã truy thu một khoản tiền rất lớn cho Nhà nước, lên tới 115.203 tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN cũng có sự phối hợp rất tốt với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập, khách quan. Đặc biệt, KTNN đã có những kiến nghị về sửa đổi về cơ chế, chính sách, bịt những lỗ hổng về pháp luật để tránh việc lạm dụng gây thất thoát tài sản của Nhà nước,...

{keywords}

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: KTNN là công cụ quan trọng để giám sát, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, gây thất thoát tài sản công, tài chính công (ảnh N.Y)

Trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là yêu cầu rất lớn của tất cả các cơ quan Nhà nước, trong đó có KTNN.

“Thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN phải đảm bảo sự liêm chính trong quản lý tài sản Nhà nước, đặc biệt là quả lý tài chính công, tài sản công. Cho nên KTNN trước hết chính mình cũng phải liêm chính”, Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, KTNN không chỉ phát hiện sai phạm, canh me đúng sai mà quan trọng hơn là qua công tác kiểm toán phát hiện lỗ hổng, bất hợp lý của pháp luật, của công tác quản lý để vá lại. Đây là khâu thông tin quan trọng để Chính phủ thấy được những thể chế chính sách chưa phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước. Đồng thời, qua đó nâng cao hiệu quả, năng lực của bộ máy Nhà nước. Đó chính là hình ảnh của một KTNN kiến tạo, trách nhiệm.

Thủ tướng lưu ý, KTNN là cơ quan độc lập, khi phát hiện ra sai sót, cần theo đuổi đến cùng chứ không phải làm nửa vời, tránh điều tra phát hiện công phu rồi kết quả để đó.

Để làm được điều này, Thủ tướng đề nghị KTNN kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, vừa có tâm vừa có tầm,... ; nâng cao chất lượng, kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những nội dung, chương trình ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ như tái cơ cấu, đảm bảo an toàn tài chính công, nợ xấu, nợ công, tiết kiệm hiệu quả chi tiêu ngân sách, cổ phần hóa DNNN,... Muốn vậy phải lắng nghe, phối hợp tốt với cơ quan chức năng. Tập trung vào kiểm toán hoạt động thay vì chỉ kiểm toán tuân thủ, chủ động phát hiện chứ không phải bị động, để xảy ra rồi mới phát hiện,...

Ngoài ra, KTNN phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình, thủ tục kiểm toán; rút ngắn thời gian kiểm toán, tránh kéo dài để doanh nghiệp còn lo làm ăn, đối phó với diễn biến thị trường; tập trung tiền kiểm từ khâu lập quy hoạch; tham gia kiểm toán định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa,...

Báo cáo công tác 2016, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, 2 năm qua (2012-2016), KTNN ngoài việc góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách cũng đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 500 văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã xác định giá trị vốn nhà nước tăng lên 13.698 tỷ đồng; giảm thời gian hoàn vốn của các dự án BOT như Dự án công trình mở rộng QL1 qua Khánh Hòa giảm 13 năm; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) tỉnh Đắk Nông giảm hơn 12 năm,... truy thu thuế và các khoản phải nộp khác tại các doanh nghiệp là 9.565 tỷ đồng.

Ngọc Hà