Đồng loạt giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo giảm một loạt lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 17/3.

Theo đó, sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được điều chỉnh lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

{keywords}
Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm từ 17/3

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Động thái này, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, là để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giới chuyên môn cho rằng, lần đầu tiên sau nhiều năm NHNN có quyết định giảm cùng lúc 5 loại lãi suất cùng với biên độ lớn từ 0,25-1 điểm phần trăm. Đây là tín hiệu mạnh mẽ của nhà điều hành về giảm lãi suất cho vay với nền kinh tế.

Với quyết định này, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng đã giảm mạnh. Đây là một loạt lãi suất điều hành, giúp các tổ chức tín dụng cần vốn, có thể vay trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp, không phải đi vay từ các ngân hàng khác hay huy động trên thị trường dân cư với lãi suất cao hơn. Cùng với đó, lãi suất dành cho các khoản tiền gửi ngắn hạn dưới 6 tháng cũng giảm, sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất huy động vốn.

Khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại ngày 17/3 cho thấy, lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn đã giảm về mức từ 0,1- 0,5%/năm và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm còn 4,3-4,75%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất huy động trên 6 tháng vẫn chưa thay đổi, các ngân hàng vẫn duy trì từ đầu tháng 3/2020. Chẳng hạn, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất dao động từ 5,3-7,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất khoảng 6,8-8,1%/năm; lãi suất từ 6 tháng trở lên hiện vẫn do các tổ chức tín dụng tự quyết định. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng sẽ được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm trong thời gian tới.

{keywords}

Lo ngại hiện nay là các DN gặp khó khăn không có nhu cầu vay vốn

Kích thích nhu cầu vốn

Lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm lãi vay cho khách hàng, qua đó giúp các DN có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ, giảm bớt khó khăn trong sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Ngoài ra, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm buộc các tổ chức tín dụng phải chấp hành, nhất là với ngành nông nghiệp, vẫn đang có nhu cầu lớn tại thị trường trong nước và xuất khẩu, nhờ đó sẽ giúp giảm chi phí, duy trì sự tăng trưởng. Điều này sẽ củng cố niềm tin cho các DN, giúp thị trường tránh được những cú sốc lớn, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực.

Tình hình kinh tế khó khăn, chứng khoán sụt giảm, đầu tư vào sản xuất kinh doanh gặp  nhiều rủi ro, người dân không đi du lịch cùng hạn chế nhiều hoạt động khác là lý do khiến tiền nhàn rỗi chắc chắn sẽ chảy vào ngân hàng. Vì vậy, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm rất thấp, dự báo cả quý 1/2020 chỉ vào khoảng 0,1%, việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp kích thích tăng trưởng tín dụng.

Trên thực tế thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất các khoản vay khoản vay mới từ 0,5-1,5 điểm phần trăm/năm để hỗ trợ DN trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, vấn đề phải đối mặt là nhiều DN không có nhu cầu vay vốn. Thống kê của các ngân hàng cho thấy, một loạt ngành hàng đang chịu ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục,... Một số ngân hàng TMCP cho biết tháng 2/2020 tăng trưởng tín dụng gần như đứng im. Dù các ngân hàng đã giảm lãi vay từ 1-1,5 điểm %/năm, đưa ra nhiều gói hỗ trợ, nhưng DN không vay bởi sản xuất kinh doanh ngưng trệ. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động tới nền kinh tế, tăng nhu cầu tiêu thụ. Dưới góc độ nào đó sẽ có tác động tích cực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế không phải là thiếu tiền mà là hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng.

Lãi suất giảm nhưng DN vẫn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ thì nhu cầu về vốn trước mắt sẽ không lớn. Tuy nhiên, với cách làm của lần này là giao quyền chủ động cho các TCTD nên khi các ngân hàng sát sao, đồng hành với nguồn vốn rẻ sẽ kích thích nhu cầu vốn DN, nền kinh tế... có tác dụng dài hạn, bền vững.

Trần Thủy