Cuối cùng, thông tin chính thức về dòng vốn tỷ USD của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc SK Group rót vào Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng cũng được Sở GDCK TP.HCM (HOSE) chính thức công bố hôm 27/5.

Theo đó, SK Group đã chi tổng cộng 23 ngàn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) để nắm giữ 6,15% cổ phần của Tập đoàn Vingroup thông qua việc mua 154 triệu cổ phần phổ thông phát hành riêng lẻ của VIC cùng với 51,4 triệu cổ phiếu VIC mua lại từ Vincommerce (một công ty con của Vingroup).

Trong tháng 5/2019, Vincommerce bất ngờ tấn công vào không gian ảo với việc đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go, hay còn được gọi là Vinmart 4.0.

Đây là lần đầu tiên một hình thức mua bán hàng hóa kiểu này có mặt tại Việt Nam. Siêu thị ảo được mở ở nhiều nơi, cả ở trên mạng lẫn trên đời thực, có thể chỉ là các tấm áp phích hoặc các tờ catalogue quảng cáo dán để đặt ở nhiều nơi, ở bất cứ địa điểm đông người nào. 

{keywords}
SKGroup rót gần 1 tỷ USD vào Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng.

Công nghệ quét mã vạch QRCode và ship (giao hàng) là cơ sở cho loại hình kinh doanh mới mà một số ông lớn trên thế giới đã tấn công được vào các thị trường bán lẻ tưởng chừng đã không còn chỗ chen chân.

Trong năm vừa qua, những ông lớn trên thị trường thương mại điện tử như Lazada (vốn từ Alibaba), Shopee (Đông Nam Á) thua lỗ đã lên đến mức 2 ngàn tỷ đồng/năm, trong khi Tiki (vốn từ đại gia JD Trung Quốc và VNG) cũng đang hướng mức thâm thủng ngàn tỷ.

Sau một vài năm cạnh tranh khốc liệt, trên thị trường chỉ còn vài gương mặt lớn như Adayroi, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki. Trong đó, Sendo có dấu hiệu hụt hơi, Lazada trượt dốc, Shopee chưa có nguồn thu, còn Tiki thì vốn hạn hẹp bao nhiêu tiêu hết bây nhiêu.

Adayroi đứng ở vị trí thấp so với các doanh nghiệp khác nhưng được chống lưng bởi Vingroup cả về tài chính và thương hiệu, niềm tin. Điểm khác biệt nữa là Adayroi kinh doanh dựa trên hệ sinh thái của Vingroup như Vinmart, Vinpro, Vinschool, Vinmec,... và nền tảng công nghệ đang phát triển.

Mảng công nghệ chính là điểm khác biệt thể hiện tham vọng của ông Phạm Nhật Vượng. Đó cũng là chiến lược được Vingroup đưa ra từ tháng8/2018 với định hướng tới 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính. 

{keywords}
Ông Phạm Nhật Vượng có tham vọng khó lường.

Ở chiều ngược lại, áp lực đối với doanh nghiệp của ông Vượng cũng rất lớn, liên quan tới không chỉ vấn đề nguồn vốn đảm bảo cho tốc độ phát triển theo cấp số nhân mà còn là nguồn nhân lực đảm bảo cho sự vận hành của một hệ sinh thái lớn.

Đáng nói, nhân lực chính là điểm yếu được cho là nguyên nhân khiến cho một số tập đoàn lớn, mà gần đây nhất là Apple không chọn Việt Nam là nơi sản xuất. DN nào giải quyết được vấn đề này sẽ có nền tảng phát triển bền vững.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục mất hút. Vn-Index giảm điểm cho dù nhiều cổ phiếu blue-chips giữ được sắc xanh như Vincom Retail, VietJet, Bảo Việt, Thế Giới Di Động,..

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán MBS, thị trường đã tạo đáy thấp hơn so với 4 phiên tích lũy trên ngưỡng hỗ trợ 970 điểm, trong những phiên gần đây thị trường thường lặp đi lặp lại diễn biến kéo lên trong phiên và giảm trong những phút cuối trước khi đóng cửa.

Kết hợp với chuỗi giảm 7 trong 8 phiên vừa qua thì có thể thấy thị trường đang có hiện tượng phân phối hơn là tích lũy. Việc đánh mất ngưỡng hỗ trợ 970 điểm có thể đẩy thị trường vào nhịp điều chỉnh mới, ngưỡng hỗ trợ lúc này sẽ là khu vực có mặt của các đường trung bình 100 và 200 ngày ở 956 đến 957 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/5, VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 969,34 điểm; HNX-Index đứng ở mức 105,32 điểm và Upcom-Index giảm 0,02 điểm xuống 55,05 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.

V. Minh