Tại cả thị trường trong nước và thế giới, chứng khoán đang nhận được sự chú ý của hầu hết nhà đầu tư với những phiên biến động liên tục. Thậm chí, dòng tiền chính của thị trường cũng được các nhà đầu tư đẩy sang thị trường chứng khoán.

Trong nước, thanh khoản thị trường chứng khoán nhiều phiên gần đây đều đạt mức 17.000-18.000 tỷ đồng, có phiên gần đạt mức 23.000 tỷ (xấp xỉ 1 tỷ USD). Trái ngược với giao dịch sôi động trên thị trường chứng khoán, cả thị trường vàng trong nước và thế giới lại đang rơi vào giai đoạn ảm đạm.

Trong phiên 28/1 theo giờ Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam), thị trường vàng ghi nhận xu hướng biến động hiếm hoi diễn ra tuần này khi kim loại quý có thời điểm tăng vọt lên mốc 1.865 USD/ounce. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời của nhà đầu tư một lần nữa khiến giá vàng giảm nhanh về mức 1.835 USD, trước khi hồi phục và đóng cửa quanh vùng 1.840 USD.

{keywords}
 

Đêm qua, giá vàng trên sàn New York đóng cửa ở 1.843,6 USD, giảm 1 USD so với phiên liền trước. Tương tự, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện phổ biến ở mức 1.843,3 USD, cũng thấp hơn 1,3 USD so với cuối ngày 27/1 (giờ Mỹ).

Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 2 đêm qua giảm 8 USD, hiện cố định ở mức 1.836,9 USD/ounce.

Biến động phiên đêm qua (khoảng 30 USD/ounce) là mức biến động lớn nhất của kim loại quý tuần này khi giá chủ yếu giữ xu hướng đi ngang và giảm với cả vàng giao ngay và vàng tương lai.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này do dòng tiền của nhà đầu tư đang tập trung vào thị trường chứng khoán. Kỳ vọng từ các gói cứu trợ mới của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đặt thị trường chứng khoán vào vị thế hấp dẫn hơn thị trường vàng.

Thậm chí, thị trường tài sản an toàn khác là trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nhiều hơn vàng khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có xu hướng tăng từ giữa tháng 1 đến nay.

Ngược lại, thị trường vàng đã giao dịch ảm đạm từ tuần thứ 2 tháng 1/2021, quanh vùng 1.840 USD/ounce.

Thị trường vàng thế giới ảm đạm cũng khiến giá vàng miếng trong nước liên tục đi ngang nhiều tuần.

{keywords}
Giá vàng miếng đã đi ngang vùng 56,5 triệu/lượng trong nhiều tuần. Ảnh: Chí Hùng.

Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hiện niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 56,15 - 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng so với cùng giờ sáng hôm qua (28/1), nhưng không thay đổi so với giá đóng cửa cuối ngày.

Tương tự, giá vàng miếng SJC bán ra tại các cửa hàng khu vực Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 56,67 triệu/lượng, chỉ tăng 200.000 đồng so với cuối tuần trước. Mức tăng này thậm chí chưa đủ bù đắp chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng cuối tuần trước đến nay vẫn chịu khoản lỗ gần nửa triệu/lượng.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,15 triệu/lượng (mua) và 56,65 triệu/lượng (bán), tương đương SJC. So với cuối ngày hôm qua, giá tại đây cũng mới tăng 100.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cuối ngày 28/1 niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,15 triệu/lượng (mua) và 56,65 triệu/lượng (bán), đến sáng nay (29/1), doanh nghiệp tăng 150.000 đồng giá mua nhưng giữ nguyên giá bán. Hiện DOJI cũng là doanh nghiệp chấp nhận mua vào vàng miếng với giá cao nhất thị trường, 56,3 triệu đồng/lượng.

Với giá bán quanh vùng 56,65 triệu đồng/lượng, vàng trong nước đang đắt hơn thế giới khoảng 5,05 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 51,6 triệu đồng/lượng.

(Theo Zing)