Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, thị trường bảo hiểm còn nhiều cơ hội lớn. Ông Hà cho biết, ông đã chia sẻ điều này nhiều lần với các thành viên trên thị trường, bởi tiềm năng còn lớn mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa thể nắm bắt được.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ tài chính), tổng số vốn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt tới 185.772 tỷ đồng (tăng 16% so với năm 2015). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.449 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 151.323 tỷ đồng.

Các số liệu tăng trưởng về đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, nguồn lực vốn từ các đại gia này đang trên guồng tăng tốc đáng quan tâm. Bởi lẽ, tốc độ tăng trưởng đầu tư ước tính của năm 2016 đã tăng 1,3 lần so với năm trước. 

Năm 2015, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 150.443 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2014. 

{keywords}
Nhiều DN bảo hiểm đạt doanh thu mạnh 

Nếu so với với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong năm 2016 khoảng 6%, thì nguồn lực tăng trưởng đầu tư của khối doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang ở mức khá cao.

Dự tính, hết năm 2016, tổng doanh thu ngành bảo hiểm (gồm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ) ước đạt con số 85.491 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2015. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 239.193 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2015.

Báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho thấy doanh thu tăng mạnh. Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh cho biết, doanh thu năm 2016 đạt 3.688 tỷ, hoàn thành 102% kế hoạch, tăng trưởng 10 % so với năm 2015. Lợi nhuận đạt 195 tỷ, hoàn thành 129% kế hoạch, tăng trưởng 38% so với năm 2015. Mới đây, AM Best đã quyết định cấp chứng chỉ xếp hạng năng lực tài chính B++. 

Bảo Minh có vốn điều lệ 913 tỉ, vốn chủ sử hữu: 2.300 tỉ, tổng tài sản trên 5.200 tỉ, tổng dự phòng nghiệp vụ trên 2.200 tỉ đồng. Hiện nay Bảo Minh là 1 trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất thị trưởng bảo hiểm Việt Nam, với tổng doanh thu hàng năm chiếm gần 10% thị phần.

Một đại gia khác là Bảo Việt cũng ghi nhận các chỉ số kinh doanh đều khá lạc quan.Theo báo cáo nhanh kết quả kinh doanh năm 2016 đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Bảo Việt đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD, hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh năm 2016 trước thời hạn. 

Bảo Việt đã ghi nhận kết quả kinh doanh về đích vượt kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt trên 24.000 tỷ đồng; hoàn thành 105% kế hoạch năm.

Về năng lực hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà cho rằng, đa số doanh nghiệp bảo hiểm, ở cả 2 khối phi nhân thọ và nhân thọ, đều đáp ứng yêu cầu về khả năng thanh toán, một chỉ tiêu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. 

Doanh nghiệp bảo hiểm  tiếp tục tái cơ cấu, tăng cường năng lực tài chính, áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, gần với thông lệ tốt trên thế giới và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Phan Kim Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV)  cho rằng, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Năm 2017, toàn thị trường phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 25% trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và trên 14% trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia trong ngành, doanh muốn nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp bảo hiểm trước tiên phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình.

N.Hải