Các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam”.

Sát cánh cùng người nghèo

Theo ông Đào Minh Tú, sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

{keywords}
 

Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng cùng các dòng vốn đầu tư khác của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân giúp Việt Nam hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra; Đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển thành một quốc gia có thu nhập trung bình.

Tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo có sự mức tăng vượt bậc. Dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm, tín dụng chính sách tăng bình quân trên 13%/năm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn

Tại Việt Nam, NHCSXH là ngân hàng của Chính phủ, được thành lập nhằm cung cấp tín dụng chính sách và các dịch vụ khác cho người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, đến nay, NHCSXH đang là ngân hàng có độ bao phủ rộng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, đảm bảo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.

Hiện đang có trên 6,7 triệu khách hàng là người nghèo, đối tượng chính sách ở khu vực nông thôn sử dụng dịch vụ tiết kiệm và có quan hệ tín dụng với NHCSXH với tổng dư nợ đạt gần 183 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, NHCSXH còn triển khai sản phẩm tiết kiệm dân cư tại Điểm giao dịch xã; sản phẩm đem lại sự tiện lợi cho người dân sống trên địa bàn, đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng về nông thôn.

{keywords}
 

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH đã góp phần giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Ngoài cung cấp các dịch vụ tài chính là tín dụng, tiết kiệm, NHCSXH còn cung cấp cho người nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn như: dịch vụ chuyển tiền trong nước, kiều hối Weston Union, thanh toán...

Hoạt động tín dụng của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Tại hội thảo, các tham luận tại còn tập trung đánh giá và ghi nhận các thông lệ tốt nhất về tài chính nông thôn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam; kinh nghiệm của các tổ chức trong Hiệp hội tín dụng châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) và đánh giá những kinh nghiệm gắn với môi trường kinh tế xã hội cụ thể của từng quốc gia từ đó chắt lọc để đóng góp vào thông lệ tốt nhất tại Việt Nam; những thách thức cụ thể đối với các tổ chức tài chính ở cấp quốc gia để mở rộng các mô hình phù hợp cho từng quốc gia…

Hội thảo do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp, nông thôn cho người nghèo tại Việt Nam.

Ng.Hân - Phương Cúc