Nhà đầu tư bức xúc

“Sàn quá lởm, ngồi theo dõi bảng liên tục mà không biết chỉ số VN-Index đang âm bao nhiêu điểm. Tình trạng này không thể mua bán. Cơ quan chức năng nên đóng hệ thống, ngừng giao dịch để tránh thiệt hại cho các nhà đầu tư. Chờ Chính phủ vào cuộc”,  ông Nguyễn Hưng, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ.

Đây là phiên thứ ba liên tiếp các nhà đầu tư chứng khoán rơi vào hoản cảnh phải mua bán tù mù, không biết tình trạng thực sự của thị trường đang lên hay xuống. Các bảng điện tử sáng 9/6 tiếp tục lag, diễn biến loạn xạ.

Trong phiên trước đó, ngày 8/6, thị trường chứng kiến một phiên tụt giảm, VN-Index lao dốc không phanh, mất gần 40 điểm trong bối cảnh áp lực chốt lời tăng mạnh cùng với tình trạng nghẽn và các nhà đầu tư không thể hủy/sửa lệnh.

Theo đại diện một công ty chứng khoán, thực chất áp lực bán tháo không cao cao như vậy. Áp lực chốt lời là có nhưng không lớn, đa số các nhà đầu tư mới (F0) vẫn đang có lãi. Cú lao dốc không phanh trên thị trường có liên quan tới nỗi lo về sự không minh bạch và giải pháp không cho sửa hủy lệnh.

{keywords}
Thị trường biến động khó lường, bảng điện tử nhiều thời điểm bị treo.

Một nhà đầu tư tại Hoàng Mai cho biết, thị trường biến động loạn xạ, tình trạng bất ổn và không thể kiểm soát khiến ông phải nhắm mắt bán cổ phiếu bằng cách đặt lệnh thị trường (MP), khớp được như nào thì chấp nhận như thế, nhằm thoát khỏi thảm cảnh bi đát.

Lệnh MP là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Điều này càng làm thị trường dễ dàng mất điểm sâu khi thị trường có xu hướng đi xuống.

Sự ức chế của các nhà đầu tư bao trùm trên mạng xã hội và các diễn đàn chứng khoán khi sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị đơ, giật và loạn giá.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ phẫn nộ không phải do thua lỗ, bởi lời lỗ trong giao dịch chứng khoán là bình thường. Họ phẫn nộ vì phải mua bán cổ phiếu như một người mù. Các chỉ số trên bảng điện tử hoàn toàn sai lệch so với thực tế. Một số người còn lo ngại trong những phiên kẹt sàn, lệnh mua bán nếu phải xử lý bằng tay và có thể có sự không minh bạch. Không biết lệnh nào sẽ được lựa chọn và lệnh nào sẽ bị để lại.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng qua, HOSE liên tục bị đơ, nghẽn kẹt, lúc mua bán được lúc không và tình trạng trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 6, với ngày đầu tiên của tháng HOSE đã phải ngừng giao dịch phiên chiều.

Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, HOSE đề nghị các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa lệnh. Điều này càng gây phẫn nộ nơi các nhà đầu tư. Theo nhiều nhà đầu tư, đây là một sự vi phạm luật bởi Luật Chứng khoán quy định được phép sửa, huỷ lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục.

Ai là chịu trách nhiệm?

Tình trạng nghẽn hệ thống đã kéo dài nhiều tháng qua. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ thiệt hại lớn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tình trạng đơ, nghẽn hệ thống vẫn chưa được xử lý triệt để và cũng không có ai là người chịu trách nhiệm cho sự việc tồi tệ này.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều người kêu gọi HOSE ngừng giao dịch, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đồng thời, kêu gọi lãnh đạo Uỷ ban chứng khoán, HOSE phải chịu trách nhiệm và có lời giải thích thoả đáng.

“Không thể hiểu nổi, tình trạng nghẽn kéo dài từ 2020 tới giờ là giữa 2021 mà vẫn chưa xử lý được. Tất cả chỉ là các giải pháp tạm thời như: nâng lô, chuyển sàn, không cho sửa/hủy lệnh. Nhưng tất cả đều không hợp lý. Hình ảnh của HOSE đang trở nên xấu xí với những giải pháp chắp vá và những thông điệp bao biện”, chị Hiền, một nhà đầu tư tại Hà Nội bức xúc.

{keywords}
Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường nhưng rủi ro hệ thống tăng cao.

Giải thích của lãnh đạo HOSE trong các thông cáo và trên báo chí tựu chung là: đây là vấn đề tạm thời và HOSE phải chọn giải pháp ít xấu nhất.

Khi được hỏi về lộ trình phần mềm hệ thống mới để giải quyết tình hình tắc nghẽn hiện tại thì vẫn chưa có một câu trả lời về mốc thời gian cụ thể.

Hồi đầu tháng 3, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hệ thống giao dịch HOSE thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn lệnh chứng khoán trong hơn 3 tháng là do năng lực quản trị điều hành yếu kém.

Theo đó, HOSE đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch mà không làm chủ được công nghệ vận hành. Sự yếu kém này không phải mới lộ rõ mà trong mấy năm qua đã có vài trường hợp nghiêm trọng bị lỗi sàn chứng khoán nhưng sau đó không có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Cũng theo VAFI, sự yếu kém năng lực quản trị HOSE còn thể hiện khi Dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn rằng bao giờ mới hoàn thành.

VAFI đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm TGĐ, Phó TGĐ phụ trách IT. Đồng thời, cần nhanh chóng cổ phần hóa Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.

Trên mạng xã hội và diễn đàn những ngày qua, nhiều nhà đầu tư cũng bức xúc đề nghị lãnh đạo HOSE từ chức.

Hệ thống hiện tại HOSE đang dùng lại của Thái Lan, chuyển giao từ khi mở thị trường cách đây 21 năm. Năng lực xử lý của hệ thống rất thấp, tối đa 900.000 lệnh/phiên, chỉ bằng 1/30 lần so với công suất của Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hồi năm 2012, HOSE triển khai dự án hệ thống giao dịch mới trị giá 600 tỷ đồng với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Tuy nhiên, hệ thống này liên tục bị trì hoãn từ 2016 tới nay mà không ai phải chịu trách nhiệm.

Liên quan tới hệ thống do FPT phát triển, CTCP Tập đoàn FPT tuần trước cho biết, doanh nghiệp này đang kiểm thử diện rộng dự án chống quá tải trên HOSE. 

Việc thử nghiệm đã hoàn thành, với 20 công ty chứng khoán, phủ đến 80% các tình huống kỹ thuật, nghiệp vụ có thể xảy ra. Dự án chuyển sang giai đoạn kiểm thử toàn thị trường với tất cả các công ty chứng khoán, VSD, HNX và đơn vị nhận dữ liệu thị trường. Kết quả giai đoạn kiểm thử toàn thị trường sẽ là cơ sở đánh giá hệ thống sẵn sàng đưa vào sử dụng chính thức.

HOSE kết nối thử nghiệm hệ thống KRX từ 14/6

Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản gửi các CTCK thành viên về việc thử nghiệm hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX). Theo đó, từ 11/6, HOSE sẽ gửi thông số kỹ thuật qua forum cho các công ty chứng khoán và sẽ thử nghiệm kết nối từ 14/6 đến 23/7.
Còn từ 26/7 đến 6/8, HOSE sẽ thử nghiệm chức năng hệ thống KRX. Ở 2 giai đoạn thử nghiệm, CTCK kết nối vào hệ thống mới từ HoSE để tự do thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm từ 8h30 đến 15h00 các ngày làm việc trong tuần.
HOSE ký kết hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với KRX từ năm 2012 với giá trị 600 tỷ đồng. Theo đó, gói thầu sẽ trang bị hệ thống công nghệ thông tin với một nền tảng cơ sở hạ tầng hệ thống đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ TTCK Việt Nam. Hệ thống nhằm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Toàn bộ hệ thống nghiệp vụ này được tích hợp và đồng bộ hoàn toàn trên một nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, gồm 2 trung tâm dữ liệu chính và dự phòng thảm hoạ.
Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, gói thầu này đã nhiều lần trễ hẹn. Do chưa thể hoàn thành hệ thống KRX, sàn HoSE đã gặp phải tình trạng nghẽn lệnh kéo dài từ cuối năm 2020 tới nay do thanh khoản thị trường tăng ngoài dự báo.
Trước mắt trong khi chờ hoàn thiện hệ thống KRX và để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, Tập đoàn FPT đã được giao nhiệm vụ phối hợp với HOSE, điều hỉnh core trên hệ thống HNX để áp dụng cho sàn HoSE. Đây là phương án đã được Bộ Tài chính/UBCK chấp thuận, hạn chế tối đa tác động đến hệ thống của 73 công ty chứng khoán thành viên. Theo lãnh đạo HOSE, nếu không có gì thay đổi, hệ thống mới với năng lực xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày sẽ được đưa vào vận hàng vào đầu tháng 7/2021.

V. Hà

Chục nghìn tỷ bị bịt mắt, mua bán 'mù' giữa thời 4.0

Chục nghìn tỷ bị bịt mắt, mua bán 'mù' giữa thời 4.0

Nhà đầu tư bày tỏ thái độ bức xúc, chán nản trước cách thức vận hành và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thời gian gần đây.