Số liệu rõ ràng và lưu đầy đủ

Trong đề xuất sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20), Bộ Tài chính nhiều lần nêu quan điểm không cho hồi tố khoản thuế liên quan cho năm 2017 và 2018 của doanh nghiệp. Cơ quan này chỉ đồng ý nới nhẹ "dây trói” cho doanh nghiệp với đề xuất nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như hiện tại.

Lý do không hồi tố được Bộ Tài chính nêu là nếu áp dụng hồi tố "sẽ tạo cơ chế không minh bạch, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế".

Nhận xét về việc này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình cho rằng: "Chỉ hồi tố mới là minh bạch". Theo ông, khi quyết toán, cơ quan thuế đã tính rõ những khoản phải nộp của doanh nghiệp và mọi thứ được lưu lại trong biên bản thuế. Bởi vậy, DN nếu trong diện bồi hoàn chỉ cần mang biên bản thuế tới cơ quan chức năng để được nhận lại số tiền chênh lệch. Điều này vô cùng dễ dàng. Vậy lo ngại không minh bạch, có lẽ chỉ đến từ công tác quản lý của cơ quan thuế, không phải của doanh nghiệp!

Ông Bình đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ bị cơ quan chức năng phạt chậm nộp thì khi quy định chưa phù hợp dẫn đến thu không đúng thì sao lại không trả lại tiền cho doanh nghiệp. Đấy là 1 góc nhìn sự việc 'không sòng phẳng'

{keywords}
 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận này, việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các DN chứ không phải ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào để tạo kẽ hở xin cho. Điều này rất khách quan bởi số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại đã lưu vào sổ sách kế toán.

"Chúng ta không nên tư duy đẩy cái khó về phía doanh nghiệp. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc hoàn tiền cho DN là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hiếu lên tiếng.

Để giải quyết bài toán “tiền đâu” cho khoản hồi tố gần 5.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính nói “chưa có nguồn”, theo ông, số tiền phải bồi hoàn có thể được tính toán bù trừ vào những năm sau. "Doanh nghiệp có lợi nhuận, ta sẽ trừ các khoản thuế cho doanh nghiệp. Ngược lại, một số doanh nghiệp năm sau chưa có lợi nhuận thì ngân sách sẽ cho hoàn thuế", vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính nói.

Minh bạch là xử lý tận gốc 

Một lý do khác Bộ Tài chính nêu lên cho đề xuất không áp dụng hồi tố là dự thảo chỉ điều chỉnh với một nhóm đối tượng, không phải lợi ích chung của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế đã có hàng nghìn doanh nghiệp phải nộp thêm khoản tiền không lồ trong suốt 2 năm qua. Rất nhiều doanh nghiệp thậm chí đã không dám mở rộng đầu tư vào các ngành nghề có ý nghĩa cho nền kinh tế, không dám lớn lên và khi doanh nghiệp - một bộ phận cấu thành của nền kinh tế trong tình trạng "không chịu lớn" thì cái thiệt chung là thấy rõ.

Một ví dụ được các chuyên gia nêu lên, khi doanh nghiệp ngành điện phải gánh khoản thuế cả trăm tỷ đồng và từ đó phải thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh, làm tăng giá điện. Khi ấy, đối tượng phải chịu hậu quả sẽ là hàng triệu người. 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO nêu lên nguyên tắc quan trọng nhất là "cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì phải áp dụng". Cho nên việc hồi tố, hoàn tiền cho DN cần làm triệt để, chi ly để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. 

Theo vị luật sư này, chi phí lãi vay là một phần trong kỹ thuật chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài và nghị định 20 ra đời với mục tiêu ngăn chặn điều này. Thế nhưng, nghị định lại không có ranh giới phân biệt giữa đâu là doanh nghiệp thuần Việt, đâu là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và hậu quả là trói chân chính doanh nghiệp trong nước.

Sau gần 3 năm tranh cãi, Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý, việc sửa nghị định 20 vì thế được kỳ vọng rất nhiều. Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang lan rộng như hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đứng trước mép vực phá sản. Điều cả cộng đồng mong chờ là sự kịp thời của Nhà nước. Hồi tố khoản thuế 2017, 2018 liên quan đến một quy định không phù hợp và việc xử lý tận gốc giờ đây là một trong những cánh cửa hy vọng để nhiều doanh nghiệp gắng gượng trong tình huống hiện tại.

Hoàng Nam