Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung năm 2012 đã cho thấy một số điểm bất cập, không còn phù hợp với thực tế và cần sửa đổi để bảo đảm công bằng, quyền cũng như lợi ích chính đáng của đối tượng chịu thuế, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Chính bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính xác nhận, Luật Thuế TNCN hiện hành (hiệu lực từ 1.7.2013) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Bất cập về quy định giảm trừ gia cảnh

{keywords}
Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính.

Tính từ khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 25,17% và cần phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 Luật Thuế TNCN (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Thế nhưng đến nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế cũng đã lỗi thời so với lương tối thiểu.

Cũng mốc thời gian năm 2013, nếu so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thì ngưỡng thuế TNCN càng trở nên lạc hậu. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 1.960USD, nhưng đến năm 2018 lên tương đương 2.587USD, tăng 627USD, tương ứng 32%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những nhà làm luật nên nghiên cứu nguồn thu nhập thu vào của cá nhân và những khoản chi hợp lý phát sinh thực tế của họ để có thể cân đối một mức chịu thuế thuế thu nhập cá nhân phù hợp.

Chia sẻ với Lao Động, thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, quy định giảm trừ gia cảnh của chính sách thuế TNCN hiện hành mới chỉ áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công, còn cá nhân có các loại thu nhập khác không được áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Điều này làm nảy sinh sự bất bình đẳng khi có thu nhập chịu thuế được giảm trừ gia cảnh, có thu nhập chịu thuế không được giảm trừ gia cảnh.

Theo ông Cường, về mặt nguyên tắc, mức giảm trừ gia cảnh phải được điều chỉnh phù hợp với sự biến động giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhưng chỉ số này đã tăng từ lâu trong khi mức giảm trừ gia cảnh thì không tăng. Có thể thấy quy định giảm trừ gia cảnh như vậy là có bất cập. Ngoài ra thì hiện nay thực tế mức giảm trừ gia cảnh chỉ được áp dụng với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, còn đối với các loại thu nhập khác thì lại chưa được tính đến. Qua việc này cho thấy, quy định khi mức tăng lạm phát hơn 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh là thiếu thực tế và thiết nghĩ phải sửa đổi, thay thế bằng những quy định mang tính ổn định lâu dài hơn. Luật không nên đưa ra con số tuyệt đối để ngay khi vừa ban hành đã trở nên lạc hậu.

Sẽ điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh

Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 diễn ra ngày 27.8, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính - xác nhận Luật Thuế TNCN hiện hành (hiệu lực từ 1.7.2013) quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng biến động ở mức cao hơn 20% thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Cụ thể, theo bà Lan, thống kê cho thấy thì chỉ số CPI đã vượt trên 20%, giá cả, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn, do đó theo luật phải sửa đổi. Với Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh với mỗi người có thu nhập đến mức phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người. Cả 2 mức này đã quá lạc hậu, sẽ được điều chỉnh tăng lên. “Hiện tại, Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính đang chủ trì báo cáo Bộ. Sau đó, bộ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội” - bà Lan thông tin thêm.

Mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Như vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu dựa vào yếu tố này để xác định mức giảm trừ gia cảnh, căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/ tháng), mức giảm trừ gia cảnh trong kỳ tính thuế tới (năm 2020) sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, nếu căn cứ theo quy định trong luật, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh phải phù hợp với biến động của giá cả nghĩa là phải được tăng thêm 20% như CPI, khi đó mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải xem xét nâng lên chứ không thể giữ như mức 3,6 triệu đồng/tháng/người như hiện nay.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, ngoài đề xuất, kiến nghị phải xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh còn có kiến nghị sửa đổi bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương... cho phù hợp. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật thuế TNCN, trong đó có nội dung đáng chú ý là đề xuất giảm còn 5 bậc thuế thay vì 7 bậc như hiện nay.

Thuế thu nhập cá nhân: Gánh nặng không được khấu trừ

Tài xế Cường chạy dịch vụ xe ôm công nghệ Go-Bike cho biết, với mức thu nhập chịu thuế 9 triệu đồng/tháng đang là gánh nặng. Cụ thể, nghề tài xế “xe ôm” công nghệ chở khách thì khoản chi lớn nhất là xăng nhớt mỗi tháng. Tuy nhiên, khoản chi hợp lý này hiện không được khấu trừ vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Vì vậy trên thực tế, thuế TNCN đánh trên thu nhập 9 triệu đồng/tháng của anh thực chất là đang đánh trên mức thực thu khoảng từ 7,5 - 8 triệu đồng hàng tháng. Khoản thu nhập này phải chi cho việc đóng thuế, thuê nhà, chi phí sức khỏe/y tế, tiền ăn... thì phải rất chắt bóp mới đủ được. Trong khi đó theo tài xế Hùng chạy Grab cư trú ở quận tân Bình (TPHCM). Trong suốt khoảng 6 năm qua, vật giá mỗi năm đều tăng mà cụ thể là mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tổng cộng đã hơn 20%, nhưng mức thu nhập chịu thuế không được điều chỉnh tăng hoặc điều chỉnh giảm mức thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh cũng không được điều chỉnh tăng trong khi rất nhiều chi phí hợp lý đều không được tính vào chi phí của một người làm nghề xe ôm cũng như chi phí thiết yếu hợp lý của một người dân. “Trường hợp nếu bệnh xuống, lại không thuộc diện bảo hiểm y tế, khoản thu nhập phải chi cho chi phí y tế nhưng vẫn phải đóng thuế TNCN là điều quá bất hợp lý”. 

(Theo Lao Động)