Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu có sẵn 1 tỷ đồng tiền mặt, bỏ vào giỏ nào để sinh lời trong năm 2017 đang khiến không ít nhà đầu tư quan tâm. Chứng khoán, mua nhà đất, mua vàng hay gửi tiết kiệm,... các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những gợi ý khác nhau.

2017: Bỏ tiền vào đâu sinh lợi lớn?

Chứng khoán sẽ là kênh hấp dẫn

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội (HNX) - cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016 tăng trưởng khá tích cực, có thể nói là năm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong hơn 15 năm hình thành và phát triển.

Theo ông Long, không phải ngẫu nhiên thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại trên toàn thị trường đạt trên 17 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2015. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index - chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán Việt Nam - đã tăng 15% trong năm qua cho thấy đây thực sự là kênh đầu tư hấp dẫn.

Dưới góc độ chuyên gia đầu tư chứng khoán, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime, nhận định, kênh đầu tư chứng khoán vượt trội liên tục nhiều năm qua. 

{keywords}
Nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh an toàn năm 2017

Năm 2017 đầu tư chứng khoán áp dụng với nhà đầu tư kiên nhẫn, có tầm nhìn, các ngành khởi sắc, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng đã vượt qua, ưu tiên của chuyên gia này là những cổ phiếu vốn hoá trung bình của những nhóm tăng trưởng có chu kỳ như thép, cao su tự nhiên; về giá trị ưu tiên dầu khí,... cơ hội sinh lời nửa đầu 2017 sẽ rất lớn.

Phân tích nên đầu tư vào cổ phiếu nào, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc CTCK Artex, gợi ý, năm vừa qua cổ phiếu thép mang về cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận tăng 88%, cao nhất trong các nhóm. Giá thép đã tăng khoảng 30% trong khi lượng sản xuất cũng tăng mạnh, được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành bất động sản.

Ngoài thép, ông Đông cho rằng, hoá chất, dầu khí cũng là những ngành có triển vọng tốt. Giá dầu thô đã tăng 40% so với đầu năm nhưng cổ phiếu thì chưa tăng giá nhiều, nguyên nhân là do ngành này đang gặp một số vấn đề về tổ chức. Tuy nhiên, khi hoàn thành quá trình này, cổ phiếu sẽ tăng tốt.

Ngoài ra, theo ông Đông, cổ phiếu bất động sản cũng rất đáng chú ý bởi đã có 2 năm tăng trưởng ổn định với lợi nhuận khoảng 10% cho nhà đầu tư.

Mua bất động sản

Ở lĩnh vực bất động sản, TS. Hương Trần Kiều Dung, Tập đoàn FLC, nhận định: 2017 vẫn là một năm vàng cho những ai muốn sở hữu bất động sản. Các chính sách về lãi suất tín dụng đặc biệt với khách hàng mua nhà sẽ tiếp tục có ưu đãi. Đây là cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Nếu kênh này triển khai tốt thì thị trường bất động sản năm 2017 vẫn phát triển thuận lợi.

Bà Dung cho biết, khi chứng khoán có sự gia tăng thì dòng tiền từ chứng khoán sẽ chuyển sang nhiều.

{keywords}
Gửi tiền tiết kiệm vẫn là an toàn nhất

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, phân tích, năm 2016 nguồn cung phân khúc bất động sản cao cấp khá dồi dào, hiệu quả khai thác đối với bất động sản nhà ở khoảng 6%, ngang lãi suất tiết kiệm, trong khi nhà đầu tư còn có cơ hội hưởng giá cao hơn khi bán trong tương lai.

Đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ngoài cam kết dòng tiền, lợi nhuận yếu tố lợi nhuận vốn đang được cân nhắc. Dòng tiền nhanh, ngắn đã đổ vào bất động sản du lịch, nhiều chủ đầu tư ngoài cam kết lợi nhuận trên dưới 10% đã áp dụng ứng trước dòng tiền. 

Gửi tiết kiệm vẫn an toàn nhất

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính lưu ý, nếu có 1 tỷ đồng sẽ đem gửi ngân hàng lãi suất 6% là an toàn nhất.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. "Nếu tôi có tiền không có gì tốt hơn là tiết kiệm", ông Long nói.

TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cũng đồng tình và khẳng định, tiền gửi chính là kênh đầu tư an toàn nhất. Ngoài ra, rót tiền vào chứng khoán cũng là một kênh hiệu quả.

Nam Hải