Fed đồng thuận Nhà Trắng

Sau phiên họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) của chủ tịch Jerome Powell  đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong vùng 2,25-2,5% như kỳ vọng của nhà đầu tư và cam kết các động thái trong tương lai sẽ được thực hiện một cách kiên nhẫn và phụ thuộc vào tình hình kinh tế khi đó.

Đây là một động thái tiếp theo cho thấy cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã lường thấy những rủi ro nền kinh tế Mỹ trong tương lai cũng như hàng loạt những cảnh báo đầy gay gắt của tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian vừa qua.

Fed cam kết sẽ "kiên nhẫn" với các động thái chính sách tương lai. Fed cũng đã bỏ luôn cụm từ “nâng lãi suất thêm dần dần”, một cụm từ hàm nghĩa có thể sẽ nâng thêm lãi suất trong tương lai. Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng sẽ cân nhắc điều chỉnh giảm bớt danh mục trái phiếu của mình. 

{keywords}
Quyết định của Fed đảo ngược tình hình tài chính Mỹ.

Trong phiên họp ông Jerome Powell cũng đã đưa ra một đánh giá khiến thị trường tài chính Mỹ rung động. Ông cho rằng, Mỹ còn cách xa so với mức tăng trưởng trung lập. Điều đó có nghĩa, Fed có thể sẽ hành động theo tiếng gọi của ông Trump với một chính sách không còn theo hướng thắt chặt như trong nhiều năm qua.

Đồng USD ngay lập tức rớt mạnh, vàng tăng giá trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhanh. Chỉ số Dow Jones vượt ngưỡng 25.000 điểm, mà ông Donald Trump đánh giá là “rất tốt” (Tremendous News).

Bảng cân đối kế toán của Mỹ cũng là một vấn đề. Theo tuyên bố của Fed, cơ quan này sẽ điều chỉnh bất kỳ chi tiết nào để hoàn tất quá trình bình thường hóa bảng cân đối kế toán tùy thuộc vào các diễn biến kinh tế và tài chính.

Hiện tại bảng cân đối kế toán của Fed bao gồm phần lớn là kết hợp giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Có thời điểm đỉnh cao, số dư trên bảng cân đối lên tới 4.500 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số khoảng 1.000 tỷ USD trước khi Mỹ thực hiện chương trình kích thích kinh tế sau khủng hoảng 2008.

Trước đó, trong năm 2018 Fed đã tăng lãi suất 4 lần và tổng cộng là 9 lần kể từ khi cơ quan này tiến hành bình thường hóa chính sách vào tháng 12/2015.

Trong thời gian gần đây, chứng khoán Mỹ liên tiếp hứng chịu những đợt sụt giảm nghiêm trọng do giới đầu tư lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang, triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu và thu nhập doanh nghiệp không bền vững. 

{keywords}
Ông Donald Trump đón tin vui từ Fed.

Thế giới trở lại với chính sách nới lỏng

Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục kêu gọi Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD để duy trì động lực giúp nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng. Trong nhiều năm qua, ông Trump liên tục phản đối 1 đồng USD, kéo chậm sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, trong khi quyết liệt chống lại một đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc yếu khiến thặng dư thương mại với Mỹ lớn.

Ông Trump đã bày tỏ sự không hài lòng về những quyết định tăng lãi suất của Fed trong năm 2018 và cho rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm đã gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Khi đó, chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng quyết định của Fed không có các cân nhắc về chính trị. Fed có những phân tích riêng trong quá trình ra quyết định của mình, một sự khẳng định về tính độc lập của Fed.

Tuy nhiên, sau đó, Fed đã có những thay đổi về chính sách, đặc biệt trong phiên họp tháng 12/2018. Tuyên bố của Fed mềm mỏng và thận trọng hơn về triển vọng kinh tế Mỹ 2019 cũng như kinh tế toàn cầu. Đây là một tín hiệu cho thấy, chu kỳ thắt chặt của Fed sắp kết thúc trước biến động của thị trường tài chính và làm chậm tăng trưởng toàn cầu.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp tháng 12, Fed cho biết rủi ro đối với nền kinh tế là rất cân bằng, nhưng Fed sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển kinh tế và tài chính toàn cầu, đánh giá tác động của họ với triển vọng kinh tế.

Cuối 2017, Tổng thống Donald Trump đã đề cử ông Jerome "Jay" Powell là chủ tịch tiếp theo của Fed, thay cho bà Janet Yellen, người kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Bà Jantt Yellen là người đã tăng lãi suất 4 lần kể từ cuối năm 2015 đến cuối 2017. 

{keywords}
Ông Donald Trump và chủ tịch Fed.

Bà Jantt Yellen sau đó đã thừa nhận "thất vọng" vì bị ông Trump thất sủng, không được Tổng thống Trump tái bổ nhiệm tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị người đứng đầu Fed. Bà là người lạc quan về triển vọng nền kinh tế Mỹ.

Như vậy, cho tới thời điểm này, hầu hết các nước đều đang trở lại với chính sách kích nới lỏng tiền tệ.

Nhật là một trong số ít các nền kinh tế duy trì chương trình nới lỏng tiền tệ trong cả thập kỷ qua, bất chấp những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Tokyo đang hướng đến đồng Yen yếu. Nhật vẫn duy trì chính sách giảm lãi suất dài hạn để kích thích tiêu dùng và đầu tư.

Chính sách lãi suất thấp đã được duy trì trong một khoảng thời gian rất dài nhưng hầu hết các nền kinh tế hồi phục chậm. Các nền kinh tế không hồi phục đủ nhanh để các nhà tạo lập chính sách có thể kéo lãi suất đi lên. Tuy nhiên đây cũng là một rủi ro bởi các nước không thể tạo ra một vùng đệm chính sách phòng ngừa cho một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo sẽ là 2,3% trong năm 2019 và 2% vào năm 2020, thấp hơn một chút so với dự đoán của Fed hồi tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp 49 năm là 3,7%, dự kiến sẽ giảm xuống 3,5% trong năm tới. Lạm phát đạt mục tiêu 2% của Fed năm 2018, dự kiến sẽ đạt 1,9% trong năm tới.

M. Hà