- Trước diễn biến khó lường từ tình hình thế giới và sự hồi phục của kinh tế trong nước còn chậm nhưng điểm lại, điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng trong hơn một năm qua vẫn đạt được những mục tiêu đã đề ra với ba điểm nhấn quan trọng, góp phần vào hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất duy trì sự ổn định

Ngay từ khi bắt đầu của nhiệm kỳ mới, Chính phủ và NHNN đã đưa thông điệp nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất ổn định và nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Từ năm 2016, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao, việc điều hành lãi suất của NHNN gặp nhiều khó khăn trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và diễn biến lạm phát, NHNN tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ TCTD ổn định lãi suất; đồng thời, chỉ đạo TCTD thực hiện cân đối vốn, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình góp phần ổn định hệ thống và giảm áp lực lãi suất cho TCTD.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, NHNN đã thành công trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Từ năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định. Đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay VNĐ phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm.

{keywords}

Thị trường tiền tệ thế giới diễn biến khó lường.

Mặc dù vào thời điểm giữa tháng 3/2017, một số NHTMCP đã đưa ra chiêu thức phát hành chứng chỉ tiền gửi có lúc lên đến 8%/năm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay có thể tăng. Ngay sau đó, lo ngại này đã được “dập tắt” khi một cuộc họp giữa lãnh đạo NHNN với các TCTD đã diễn ra để tìm “thủ phạm”. Trong cuộc họp này, đa số các ý kiến của các NHTM đều cho rằng, hệ thống chưa tới mức khó khăn về thanh khoản để phải đua nhau tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất này chỉ mang tính nhất thời để một số NH cân đối lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các quy chuẩn an toàn trong hoạt động mà cụ thể ở đây là Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng thời gian qua, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, xét trên nhiều góc độ từ thị trường tiền tệ cũng như diễn biến lạm phát những tháng đầu năm 2017 thì việc chúng ta giữ ổn định lãi suất không tăng cũng đã là thành công của NHNN.

80% vốn được đưa vào sản xuất, kinh doanh

Nếu như từ năm 2015 trở về trước, NH “mở” hơn với tín dụng bất động sản, trong đó có các dự án BOT giao thông thì sau đó sang năm 2016 đã có những cảnh báo với hai lĩnh vực này. Chính vì vậy, trong điều hành NHNN đã có các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng cho nền kinh tế; triển khai các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

{keywords}

Hoạt động ngân hàng trong hơn một năm qua vẫn đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Đặc biệt, cơ quan quản lý về tiền tệ đã theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ cho vay vốn bằng ngoại tệ nhưng vẫn đảm bảo các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu trên thị trường quốc tế, đồng thời, duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động tín dụng đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25% đúng định hướng đề ra từ đầu năm. Năm 2017, tín dụng tăng ngay từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước, đến ngày 28/4/2017, tín dụng tăng 5,76%, so với cuối năm 2016 và cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87.% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%.

Tỷ giá, ngoại hối trong tầm kiểm soát

Việc điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN được thực hiện trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, có kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác, tỷ giá và thị trường ngoại tệ từ năm 2016 đến nay về cơ bản diễn biến ổn định. Một số thời điểm tỷ giá có diễn biến tăng bởi các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế nhưng thanh khoản ngoại tệ vẫn ổn định, cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, các TCTD đã đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình trạng đô la hóa giảm, niềm tin của người dân vào VND được củng cố, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ giảm nên người dân đã bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, nhờ đó NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức hôm 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, điều hành tỷ giá gặp nhiều khó khăn do các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách mới của Donald Trump mới đắc cử, Fed tăng lãi suất. Trong nước, cung - cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, xu hướng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế kéo theo các yếu tố đầu cơ, kỳ vọng gia tăng. Tuy nhiên, theo Thống đốc, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%. Thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực. Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt, giúp cho các doanh nghiệp có một môi trường ổn định, chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đức Nghiêm